Quản lý học sinh bằng… máy móc
Giáo dục - Ngày đăng : 06:32, 21/03/2010
Em Nguyễn Minh Châu, lớp 10
- Đến hè này là tròn 10 năm em đi học phổ thông. Sau 10 năm ấy thì chưa bao giờ em được giáo viên chủ nhiệm đến nhà hoặc gọi điện cho bố mẹ em để thông báo về tình hình của lớp hoặc của bản thân em. Nhưng theo em, có thể từ trước tới nay việc liên hệ với phụ huynh học sinh chỉ diễn ra khi học sinh có khuyết điểm hoặc có thay đổi đột biến gì đó dẫn đến kết quả học tập sa sút, tâm lý, hành động phức tạp… Và liên hệ này chủ yếu qua điện thoại. Còn trong trường hợp không có gì đặc biệt xảy ra với học sinh thì giáo viên chủ nhiệm hiếm khi nếu như không muốn nói là không liên lạc với phụ huynh học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chỉ gặp mặt phụ huynh vào những lần họp phụ huynh và trong buổi họp đó, phụ huynh nào muốn hỏi gì về con cái mình thì giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo. Tuy nhiên, với những học sinh "cá biệt" hoặc giỏi xuất chúng, giáo viên còn nhớ do đã tìm hiểu chứ với học sinh bình thường như em chẳng hạn thì giáo viên có khi… chẳng biết gì. Giáo viên chủ nhiệm có biết gia cảnh của từng học sinh không? Điều này, em cũng không biết vì chưa bao giờ em thấy cô "điểm" hoặc xác nhận chuyện này với học sinh. Nhưng em biết rõ, khi cô cần liên hệ với phụ huynh của học sinh nào, thì cô sẽ biết chắc chắn bố hoặc mẹ của bạn đó tên là gì, làm gì… Do tất cả những thông tin ấy, chúng em đều ghi trong sổ liên lạc.
Cô giáo Hoàng Thùy Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 10
- Công tác chủ nhiệm lớp như học sinh trên nói quả không sai. Vì do trước kia, phương tiện thông tin không phát triển nên nếu muốn liên hệ với phụ huynh học sinh, giáo viên chủ nhiệm buộc phải đến nhà học sinh tìm hiểu, trao đổi trực tiếp. Còn bây giờ, do điều kiện đã khác nên chúng tôi cũng thay đổi hình thức công tác chủ nhiệm. Chúng tôi lưu giữ số điện thoại của từng gia đình học sinh và số điện thoại di động của phụ huynh học sinh (nếu có). Chúng tôi có sổ liên lạc điện tử. Thông qua sổ liên lạc này, phụ huynh học sinh có thể nắm bắt tất cả điểm số như điểm kiểm tra, thi… mà các em có. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp đặc biệt như học sinh cá biệt, học sinh giỏi, hoặc những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập, đạo đức, chúng tôi đều thông báo đến gia đình để hai bên cùng phối hợp giáo dục các em. Đối với những học sinh bình thường thực ra ít khi liên hệ với phụ huynh của các em nhưng chúng tôi nắm rõ lý lịch của các em gồm địa chỉ, nơi công tác của bố mẹ, hoàn cảnh gia đình… Thậm chí, qua những học sinh ở lớp, chúng tôi còn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học sinh trong lớp nói chung để từ đó ai có hoàn cảnh đặc biệt như nghèo khó, mồ côi, bố mẹ bỏ nhau… bản thân chúng tôi hoặc chúng tôi cắt cử một số học sinh trong lớp động viên, an ủi bạn… Theo tôi, trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, công tác chủ nhiệm như vậy là chấp nhận được. Còn đối với xã hội cho rằng, giáo viên phải đến nhà học sinh tìm hiểu nữa thì tôi e rằng khó thực hiện được do thời gian hạn chế. Vì thời gian để dành giảng dạy cho các em hiện nay dường như còn không đủ. Vậy việc đến nhà học sinh là không cần thiết? Theo tôi tất nhiên nếu đến được nhà học sinh để nắm gia cảnh của các em nữa bên cạnh việc quản lý bằng phương pháp "điện tử" như hiện nay thì… tuyệt vời!
Mỗi tuần…
Quản lý học sinh bằng phương pháp "điện tử" hiện nay không phủ nhận sẽ đáp ứng thông tin hai chiều giữa giáo viên chủ nhiệm - phụ huynh học sinh hoặc ngược lại nhanh, đầy đủ toàn diện… Tuy nhiên, dẫu sao đó cũng chỉ phương pháp quản lý bằng "máy móc". Mà "máy móc" thì không thể nắm rõ, hiểu sâu sắc đến tận chân tơ kẽ tóc học sinh về mọi diễn biến, hành động của các em. Bởi vậy, vẫn cần chuyện gần gũi, quản lý học sinh phải bằng cả những phương pháp không phải là… điện tử.