Nếu vẫn “tại anh tại ả”...

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 21/03/2010

(HNM) - Đại hội cổ đông năm 2010 đã bắt đầu vào "mùa". Trong những năm trước, tình trạng thưa vắng cổ đông, thậm chí có đại hội không đủ tỉ lệ cần thiết để họp, đã diễn ra tràn lan. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau song đa số ý kiến bày tỏ rằng cả "anh" - doanh nghiệp - cả "ả" - cổ đông - đều phải cải thiện cung cách tổ chức lẫn "tâm thế" tham dự.

Lại vắng

Tình trạng thưa vắng hoặc không đủ cổ đông tham dự theo quy định đã diễn ra khá phổ biến trong "mùa" đại hội năm ngoái. Thậm chí, ngay cả những công ty lớn với mã cổ phiếu thuộc hàng bluechips trên thị trường chứng khoán nhưng các thư mời cổ đông dự họp vẫn bị trả lại hoặc không tới tay người nhận. Nhiều công ty chỉ mong có đủ mức cần thiết cổ đông tham dự để đại hội có thể tiến hành. Một số trường hợp không đạt yêu cầu, doanh nghiệp đã buộc phải lui lại thời gian tổ chức.

Sản xuất tại Công ty Minh Cường. Ảnh: Nguyệt Ánh

Một trong những lý do khiến hầu hết doanh nghiệp rơi vào tình trạng này là thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chủ yếu là sân chơi của các nhà đầu tư cá nhân mà rất ít các nhà đầu tư tổ chức. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sacom có thời điểm có tới hàng chục nghìn... cổ đông. Và đến "mùa" đại hội 2010, đại hội cổ đông lần một của công ty này lẽ ra phải được tổ chức cách đây mấy hôm đã không thể diễn ra do chỉ có đại diện của hơn 50% vốn điều lệ tham dự. Đây là doanh nghiệp đầu tiên phải tổ chức lần 2 "mùa" đại hội năm nay.

Theo Luật Doanh nghiệp, đại hội chỉ được tiến hành khi số cổ đông dự họp nắm giữ ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu không đủ, doanh nghiệp phải tổ chức lần 2...

Tổ chức đi tổ chức lại không chỉ gây ra những lãng phí cho bản thân doanh nghiệp mà còn tạo ra vô số phiền hà cho cổ đông. Vì thế, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã đưa ra một số phương án dự phòng, đặc biệt hết sức cẩn trọng trong việc "trưng cầu ý kiến" là "có đến được hay không".

Ai cần cải thiện?

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), để đại hội đồng cổ đông thật sự là hội nghị... của cổ đông cần sự cố gắng của cả hai phía: HĐQT công ty và chính những người sở hữu vốn. Trước hết, doanh nghiệp cần thay đổi công tác tổ chức đại hội cổ đông. Theo đó, tài liệu trình bày tại đại hội cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết và dễ hiểu đối với nhà đầu tư, cũng như cần được đăng tải sớm tại website của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần báo cáo đánh giá về hiệu quả thực hiện của các dự án đầu tư lớn, các đợt huy động vốn một cách trung thực, thay vì hình thức. Đồng thời, để tránh làm nhà đầu tư... buồn ngủ, nên dành phần lớn thời gian đối thoại giữa nhà đầu tư với HĐQT...

Trên thực tế, ở những "mùa" đại hội trước, phần lớn doanh nghiệp với tâm lý "không coi cổ đông nhỏ ra gì" nên hầu như biết các đại hội cổ đông bị biến thành "lớp học" hoặc "đại hội công nhân viên chức" theo kiểu HĐQT độc diễn, cổ đông... độc nghe. Cổ đông không dễ dàng gì để phát biểu cũng như chất vấn HĐQT...

Ở phía cổ đông, ít người hiểu được rằng tham dự nhiều đại hội cổ đông tại nhiều doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhỏ cho đến doanh nghiệp lớn, cả doanh nghiệp hoạt động hiệu quả lẫn doanh nghiệp còn nhiều vấn đề, cũng là một cách tạo ra nền tảng xây dựng cho mình danh mục đầu tư hợp lý. Điều này diễn ra phổ biến, đặc biệt là với các nhà đầu tư ngắn hạn khi nghĩ rằng không cần tham dự các đại hội cổ đông vì họ không nắm giữ cổ phiếu dài hạn.

Trong khi đó, đây là cơ hội để nắm bắt nhiều thông tin hơn đến từ người lao động, các đối tác cũng như các nhà đầu tư (vào doanh nghiệp) và có điều kiện tiếp cận tình hình kinh doanh tại doanh nghiệp...

VAFI cho rằng, thị trường chứng khoán đã trở nên ổn định hơn so với giai đoạn trước kia, sẽ không có những "cơn sóng lớn", vì vậy nếu các cổ đông tiếp tục thờ ơ với các đại hội thì chỉ nắm lấy phần... bất lợi. Còn doanh nghiệp, tất nhiên, họ tốn kém thời gian, tiền bạc... Nhưng nếu "anh" chưa thay đổi thì "ả" cũng khó mà chuyển biến.

Bắc Hà