Bệnh lạ lan nhanh trên 13.000ha lúa ở các tỉnh phía Bắc: Phá hay giữ lúa?

Kinh tế - Ngày đăng : 08:31, 20/03/2010

(HNM) - Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) được coi là

Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) được coi là "bệnh lạ" với nhiều diễn biến phức tạp. Tại các tỉnh miền Bắc, bệnh đang lây lan trên diện rộng. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, phòng trừ nhiều diện tích lúa xuân tại các tỉnh miền Bắc có nguy cơ bị "xóa sổ" hoặc ảnh hưởng tới năng suất. Trước diễn biến đó, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố dịch từ Quảng Trị trở ra và khuyến cáo cách phòng, chống bệnh.

Nông dân Thái Bình kiểm tra các cánh đồng lúa vụ đông xuân.


Theo kết quả sơ bộ của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đến nay đã có 8 tỉnh từ Nghệ An trở ra có mẫu lúa dương tính với virút LSĐ; 15 tỉnh (từ Quảng Nam trở ra) có lúa mang các biểu hiện của bệnh LSĐ với tổng diện tích gần 13 nghìn hécta. Trong đó có hơn 500 hécta lúa bị bệnh trên 20% và hơn 12 nghìn hécta lúa bị bệnh dưới 5% diện tích. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình có trên 12 nghìn hécta lúa bị bệnh. Ông Ngô Vĩnh Viễn, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, biểu hiện bệnh LSĐ tại các tỉnh hiện rất khác nhau. Ở tỉnh Quảng Ngãi, lá lúa non bị bệnh nặng hơn lá mọc trước, nhưng ở các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, biểu hiện của bệnh ngược lại nên việc nhận biết, phát hiện bệnh rất khó khăn. Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, sau khi được chăm sóc kỹ, một số diện tích lúa mắc bệnh đã phục hồi lại có biểu hiện nhiễm nặng hơn. Điều đáng lo ngại là bệnh đã lây lan nhanh ra toàn tỉnh với 183 xã (trên tổng số hơn 280 xã). Điều này chứng minh diễn biến bệnh sẽ còn phức tạp hơn. Ông Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhấn mạnh, dịch LSĐ rất nguy hiểm nên cần phòng, chống chủ động, tích cực và cương quyết theo phương châm dựa vào dân để dập dịch.

Các giống lúa ngắn ngày có thể sử dụng

- Giống DT122 của Viện Di truyền nông nghiệp. Đây là giống lúa thuần cảm ôn, năng suất cao (trung bình đạt từ 50 đến 60 tạ/ha), chịu nóng tốt ở giai đoạn trỗ, kháng với rầy nâu, bạc lá và đạo ôn… đặc biệt có thời gian sinh trưởng ngắn (85-90 ngày trong vụ mùa).
- Giống thứ hai là PC6 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa thuần Viện CLT và CTP chọn tạo với thời gian sinh trưởng 90-95 ngày trong vụ mùa, 88-90 ngày trong vụ hè thu tại các tỉnh Trung bộ. Đây là giống lúa có sức sinh trưởng nhanh, có năng suất từ 55-65 tạ/ha trong vụ xuân, 50-60 tạ/ha trong vụ mùa hoặc hè thu, chất lượng tốt (hạt gạo dài, trong, cơm mềm).

Theo Pháp lệnh BVTV thì phải có 5% diện tích lúa bệnh, địa phương mới được công bố dịch, tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Minh, nguyên Cục trưởng Cục BVTV cho rằng, không cần phải đến lúc có 5% diện tích lúa bị nhiễm bệnh mới công bố bởi phác đồ điều trị bệnh LSĐ đã có. Vì vậy, chỉ cần thấy biểu hiện là công bố dịch để xử lý kịp thời.

Trước 2 luồng ý kiến, phục hồi lúa bị bệnh hay phá bỏ, Viện trưởng Viện BVTV Ngô Vĩnh Viễn đề xuất: Lúa bị bệnh tạm thời phục hồi theo hướng khuyến cáo tăng cường bón lân, kali, sục bùn... Bao giờ không phục hồi được thì mới phá. Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc nêu phương án: Vụ đông xuân có thể kéo dài tới ngày 25-3 nên đối với diện tích bị bệnh trên 30% thì cho tiêu hủy gieo thẳng lại. Từ nay đến thời điểm đó, nếu nơi nào bị lác đác thì nhổ vùi các cây bệnh và cấy dặm. GS-VS Trần Đình Long cho rằng, những nơi bị bệnh trên 30% diện tích thì giải pháp tiêu hủy mầm bệnh cho gieo lại là thích hợp nhưng chỉ sử dụng các giống lúa ngắn ngày và có quy trình kỹ thuật thích hợp, đặc biệt là áp dụng biện pháp gieo thẳng để bảo đảm năng suất và khung thời vụ.

Hà Nội: Xây dựng phương án phòng, chống dịch lùn sọc đen hại lúa

(HNM) - Ngày 19-3, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo UBND các huyện, thị xã tổ chức kiểm tra cụ thể tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng, đặc biệt lưu ý bệnh lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa vụ xuân 2010, tổng hợp kết quả kiểm tra và báo cáo UBND TP trước ngày 30-3. Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống dịch LSĐ; chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân khi có dịch xảy ra trình UBND TP xem xét, quyết định và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh.

Thu Hằng

Đỗ Minh - Sơn Tùng