Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm giải pháp ngăn mặn và chống hạn

Kinh tế - Ngày đăng : 08:14, 20/03/2010

(HNM) - Hàng nghìn hécta lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Tại cuộc họp khẩn cấp bàn các biện pháp chống hạn và xâm nhập mặn vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã cảnh báo, trong thời gian tới, nếu không có mưa, tình hình xâm nhập mặn và hạn hán ở toàn vùng sẽ gay gắt hơn. Còn các nhà khoa học cho rằng, nên thu hẹp diện tích trồng lúa, tổ chức lại sản xuất để nông dân bớt khổ vì thiếu nước ngọt.



Chủ động né mặn và chống hạn
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong khi tại các cửa sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn đã xâm nhập sâu từ 40 đến 80km, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp thì đã có nguy cơ xảy ra hạn hán. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra cảnh báo, hạn hán và nước mặn xâm nhập sẽ gây ảnh hưởng tới khoảng 800.000ha lúa đông xuân, chiếm 1/2 diện tích lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô này. Hiện đã có khoảng 80.000ha lúa đông xuân tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau... chậm phát triển do thiếu nước ngọt để tưới. Theo PGS-TS Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, khi hạn tăng, nước biển dâng, các thế mạnh về kinh tế của toàn vùng như lúa gạo, thủy sản, trái cây có thể không còn.

Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ cho rằng, biến đổi khí hậu sẽ còn tác động mạnh đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới. Đây chưa phải là đỉnh điểm khó khăn do hạn, mặn gây ra trong mùa khô năm nay, vì nước có độ mặn cao và gây thiệt hại nhiều nhất cho cây trồng sẽ diễn ra vào tháng 4 và 5. Còn Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Vũ Văn Thặng cho biết, nguồn nước chính để tưới tiêu cho cả vùng là sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây... nhưng dòng chảy trên hệ thống sông Mê Kông đang ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20cm nên dòng chảy đổ ra cửa biển rất thấp. Đây là nguyên nhân làm mặn xâm nhập sớm và lấn sâu vào đất liền gần 40km. Những ngày triều cường kết hợp với gió chướng thổi mạnh, mặn xâm nhập sâu đến 80km, uy hiếp trà lúa đông xuân muộn và xuân hè vừa xuống giống của toàn vùng.

Xem xét lại quy hoạch
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang… cho rằng, thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long đang cạn kiệt và suy thoái do ảnh hưởng của hạn và xâm mặn. Do đó, Chính phủ cần đầu tư cải tạo môi trường, trước mắt bổ sung kinh phí để nạo vét kênh mương nội đồng, lắp đặt các trạm bơm dã chiến chống hạn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất cho nạo vét 76 công trình kênh cấp 2 tạo nguồn, bởi về lâu dài trong điều kiện hạn, mặn thường niên như hiện nay, nếu xây dựng thêm hệ thống cống đập, kênh cấp 2 sẽ là những kênh trữ nước hữu hiệu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đó chỉ là giải pháp tình thế, bởi các tỉnh ven biển, vùng bán đảo Cà Mau cần những giải pháp về công trình ngăn mặn, giữ ngọt. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, cần xem khả năng ngăn mặn từ sông Cái Lớn, đồng thời nâng cấp hệ thống kênh cấp nước dẫn ngọt từ sông Hậu đưa về, chủ động giữ ngọt bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp toàn vùng. Đồng quan điểm với lãnh đạo các địa phương, Thứ trưởng cho rằng, về lâu dài nên đầu tư nâng cấp, cải tạo sông Cái Lớn, Cái Bé để giải quyết tình trạng hạn và mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước mắt, để hóa giải hạn và xâm mặn, các địa phương cần triển khai đắp đập tạm trữ nước; nạo vét kênh vùng thượng nguồn, trữ nước bơm tưới; hạn chế xuống giống vụ lúa xuân hè trong phạm vi từ ven biển vào nội địa 70km và nên tính toán cụ thể vùng nào có nước, vùng nào không có mưa.

Về lâu dài, theo GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, một trong những chuyên gia đầu ngành về cây lúa thì ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng lúa tất yếu phải giảm. Hiện tại, nông dân đang sử dụng tới 20.000m3 nước/vụ. Đồng bằng sông Cửu Long có 3,6 triệu hécta trồng lúa/năm, tức là phải dùng đến 76 tỷ mét khối/năm, trong khi đó tổng lưu lượng nước của sông Mê Kông hiện có khoảng 460 tỷ mét khối chảy qua/năm. Như vậy, riêng canh tác lúa đã chiếm đến 1/6 tổng lượng nguồn nước. Theo GS cần có một nghiên cứu sâu và chi tiết về tác động từ phía thượng nguồn, biến đổi khí hậu... để xác định mức độ ảnh hưởng, qua đó xác định lại những vùng lúa có thể bị ảnh hưởng nặng để lên kế hoạch chuyển đổi. Còn PGS, TS Hoàng Lương, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, do được ưu đãi về điều kiện tự nhiên nên từ lâu đời ĐBSCL đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Trước sự đe dọa của thiên nhiên và sự khai thác quá mức, các thế mạnh của ĐBSCL đang dần cạn kiệt và suy thoái. Vì vậy, việc cấp thiết nhất là bảo tồn được các khu rừng ngập mặn.

Để từng bước khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam và Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cần theo dõi sát tình hình lưu vực sông Mê Kông, thông tin kịp thời cho các tỉnh và người dân trong vùng để có biện pháp chủ động phòng chống hạn, mặn. Các địa phương cần phối hợp đồng bộ để tránh ảnh hưởng lẫn nhau. Sau cuộc họp này, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan khoa học gấp rút rà soát lại quy hoạch thủy lợi cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tính tới tác động yếu tố biến đổi khí hậu bao gồm nước biển dâng và thay đổi chế độ nước và chế độ nhiệt của toàn khu vực, trong đó có ảnh hưởng bất thường của sự xâm nhập mặn, hạn hán, thủy triều... để sát với thực tế và có các biện pháp phòng chống có hiệu quả.

Thúy Nga - Đỗ Minh