Mọi việc làm nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại…
Chính trị - Ngày đăng : 08:58, 19/03/2010
Hầm đường bộ Kim Liên góp phần tích cực trong giải quyết nạn tắc đường. Ảnh: Tuấn Đàm |
Tiếp thu rộng rãi ý kiến đóng góp về Quy hoạch chung Hà Nội
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, năm 2010 đối với Thủ đô, ngoài những nhiệm vụ rất quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô. Thời gian chuẩn bị không còn nhiều, chúng ta phải cố gắng làm sao tiếp thu càng rộng rãi ý kiến của các chuyên gia, hội nghề nghiệp, người dân… càng tốt. Chúng ta không nên lo ngại trước những ý kiến phản biện. Rất có thể có những ý kiến trái, ý kiến khác, chứ không phải tất cả mọi người đều có những ý kiến đồng thuận. Những ý kiến không đồng thuận chúng ta thấy đúng thì việc tiếp thu sẽ càng tốt hơn. Ý kiến nào không đúng thì chúng ta cũng biết được để giải trình, để tạo nên sự nhất trí - Bí thư khẳng định.
Ách tắc giao thông không chỉ là vấn đề khó khăn đi lại…
Để xử lý vấn đề ách tắc giao thông, cần phải có giải pháp đồng bộ, không chỉ phải điều tiết, cân đối mật độ dân số, số lượng phương tiện giao thông và khẩn trương đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông mà còn phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Đồng tình với chủ trương cần phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý trật tự an toàn giao thông - đô thị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội hiện nay không đơn thuần chỉ là vấn đề khó khăn đi lại mà đã trở thành những bức xúc về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa, văn minh. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, tất nhiên cần phải có giải pháp đồng bộ; vừa là những vấn đề cơ bản, lâu dài, vừa có những vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt. Có lẽ ai cũng thấy thực trạng ý thức của không ít người tham gia giao thông, từ người đi bộ, cho tới người đi xe đạp, xe máy, ô tô đều rất yếu. Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định, bước đầu mang lại kết quả nhưng nhìn chung chuyển biến chưa thật sự rõ nét. Vì vậy, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, giáo dục, cần tăng cường việc xử phạt hành vi vi phạm. Nếu như đường chật, mật độ phương tiện càng lớn, nhưng người tham gia giao thông có ý thức chấp hành tốt quy định thì sẽ không gây ra ách tắc. Nhưng bây giờ thực tế đang diễn ra ngược lại, phương tiện càng nhiều, đường càng chật thì càng cố tình vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, các phương tiện giao thông cứ dàn hàng ngang mà đi... làm cho ùn tắc càng nghiêm trọng. Vì thế, xử phạt nặng để giảm vi phạm, bảo đảm kỷ cương xã hội là điều cần thiết. Có ý kiến cho là không nên làm như vậy, vì dân ta còn nghèo. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, nếu không thực hiện những biện pháp như vậy thì chúng ta sẽ làm cho đất nước kéo dài cái nghèo chưa biết tới bao giờ. Nếu chấn chỉnh kỷ cương để đỡ thiệt hại về kinh tế, để cho xã hội trở nên văn minh, tiến bộ, để Thủ đô có được trật tự, kỷ cương thì đó là điều cần phải làm.
Hà Nội cần có cơ chế đặc thù
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vui mừng khi Luật Thủ đô được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2010 của Quốc hội. Để tạo được sự nhất trí cao, việc xây dựng Luật Thủ đô, nhất là về các quy định đặc thù đối với Thủ đô cần phải thuyết minh sâu sắc, làm rõ lý lẽ khoa học. Đặc biệt, chúng ta cần nói rõ, bên cạnh sự cần thiết có những quy định, những cơ chế đặc thù, cần sự phân cấp, phân quyền thì đi đôi là đòi hỏi phải nâng cao tính chịu trách nhiệm. Thủ đô cần có những ưu tiên là để xây dựng một Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng văn minh, hiện đại, kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội, xứng đáng với mong đợi và niềm tự hào của nhân dân cả nước. Do đó, yêu cầu chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu để luật đi vào đời sống. Cần cố gắng tối đa để luật càng cụ thể bao nhiêu càng tốt; tránh tình trạng "luật ống", "luật khung", sau đó lại chờ nghị định, quy định mới thực hiện được. Cái gì có thể phân cấp cho Hà Nội thì mạnh dạn phân cấp. Tăng quyền cho Hà Nội đi đôi với tăng trách nhiệm, tăng sự giám sát của Trung ương đối với Hà Nội. Đẩy mạnh phân cấp thì mới có thể tạo nên sự đột phá trong tư duy, hành động, mới khắc phục được tình trạng trách nhiệm không cụ thể, rõ ràng.
Một ví dụ được Bí thư Thành ủy nêu là việc xử phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe. Trường hợp ô tô đổ trộm hàng chục tấn bùn ra giữa đường Bà Triệu mà chỉ phạt có vài trăm ngàn đồng thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Như thế vi phạm sẽ vẫn tiếp diễn, vì dù có bị phạt người vi phạm vẫn cảm thấy lợi hơn là đổ chất phế thải ấy đúng nơi quy định. Hoặc nếu chính quyền không có cơ chế để can thiệp nhằm hạn chế mức tăng phương tiện giao thông cá nhân thì chẳng bao lâu nữa, chính người có ô tô cũng sẽ bức xúc khi ô tô không có đường để đi, không có chỗ để đỗ. Chính quyền cần phải nhìn thấy trước những việc như thế để mà giải quyết. Tất nhiên, giải pháp phải đồng bộ, chứ không ai lại cho rằng chỉ thiên về xử phạt. Chúng ta làm những việc đó cũng chỉ để nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô sao cho ngày càng văn minh, hiện đại và cũng là vì cuộc sống tốt đẹp của người dân. Chúng ta không nên đồng nhất mọi vi phạm với nhân dân nói chung. Chính nhân dân cũng đang mong muốn chúng ta phải xử lý thật nghiêm các vi phạm.
Mặc dù không có trong đề mục chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long song Hà Nội đang làm tốt đề án chống 3 thứ rác là rác trên đường, rác trên tường, rác trên trời... Hơn tháng nay, bộ mặt đô thị đã có chuyển biến rất rõ nét. Như hầm giao thông Kim Liên không còn những hình vẽ bôi bẩn trên tường và trên hầu hết các tuyến phố, sau khi bóc, xóa quảng cáo rao vặt trái phép, việc tái phạm đã không còn diễn ra như trước. Nhiều tuyến phố được hạ ngầm đường dây điện. Với những khu đô thị mới, tuyến đường mới, thành phố chỉ đạo sẽ đầu tư hạ ngầm đường dây ngay từ đầu. |