Xômali: Chưa thoát khỏi “hố đen” xung đột

Thế giới - Ngày đăng : 07:43, 19/03/2010

(HNM) - Sau nhiều tháng thương thuyết bí mật, ngày 15-3, chính phủ Xômali đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực với nhóm vũ trang Xuphi, lực lượng Hồi giáo ôn hòa đang kiểm soát phần lớn diện tích tại miền Trung nước này.

Đây là đòn giáng mạnh vào lực lượng phiến quân Hồi giáo vũ trang đối lập, từng tiến hành các cuộc nổi dậy chống lại chính phủ và Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi (AU) tại thủ đô Môgađixu của Xômali. Theo thỏa thuận, các lực lượng Hồi giáo ôn hòa và nhóm Xuphi được nắm một số chức vụ nhất định trong Chính phủ Liên bang Xômali chuyển tiếp. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, thỏa thuận vừa đạt được chưa thể giúp Xômali thoát khỏi xung đột quyền lực.

Xung đột, bạo lực khiến cuộc sống của người dân Xômali hết sức khó khăn.

Thời gian qua, chính quyền nước này đã không thể kiểm soát nổi tình hình. 5.000 lính thực hiện sứ mệnh hòa bình của AU chỉ duy trì được một vài trụ sở tại thủ đô Môgađixu.

Đáp trả việc chính quyền Xômali và lực lượng gìn giữ hòa bình AU lên kế hoạch mở chiến dịch quy mô lớn nhằm chấm dứt các hoạt động nổi dậy, gần đây, các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã tiến hành nhiều vụ tấn công gây thương vong lớn. Rạng sáng 11-3, thủ đô Môgađixu lại rung chuyển vì những tiếng pháo hạng nặng và súng nổ ác liệt. Cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân Hồi giáo Shebab, có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 dân thường và làm 83 người bị thương. Như vậy, tính cả con số thương vong trong cuộc giao tranh tương tự đêm 10-3, đã có ít nhất 43 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương chỉ trong chưa đầy hai ngày.

Còn từ đầu năm 1990 đến nay, cuộc nội chiến đã khiến Xômali rơi vào tình trạng hỗn loạn và bị phân chia thành nhiều vùng khác nhau. Bạo lực và thiếu chính quyền ở Xômali từ năm 2007 đã khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và 1,5 triệu người phải đi tị nạn. Người ta lo ngại rằng, Xômali sẽ là một Ápganixtan thứ hai với những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu; đồng thời rất có thể quốc gia vùng Sừng châu Phi này sẽ thành căn cứ hùng mạnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Mối quan ngại là rất có cơ sở khi một số vùng duyên hải Xômali đã trở thành "trụ sở" của hải tặc quốc tế. Trong năm 2009 cướp biển Xômali đã bắt cóc 47 tàu với gần 870 thủy thủ. Phần lớn các tàu và thủy thủ đoàn được thả sau khi cướp biển nhận tiền chuộc. Đây chính là "miếng mồi béo bở" nuôi dưỡng các phần tử nổi loạn. Trong một động thái mới, ngày 16-3, Lực lượng Hải quân Liên minh châu Âu (EUNF) cho biết, hải tặc Xômali đã thả tàu Theresa VIII chở hóa chất cùng toàn bộ 28 thủy thủ người Triều Tiên sau khi chủ tàu đã trả 3,5 triệu USD tiền chuộc…

Trong khi đó, nạn tham nhũng đã khiến quốc gia này khó giải thoát những bế tắc hiện thời. Theo báo cáo của nhóm giám sát Xômali của Liên hợp quốc, có tới 50% số lương thực viện trợ của Chương trình lương thực thế giới (WFP) dành cho Xômali không đến được tay người dân. Theo báo cáo này, đã có sự thông đồng có hệ thống giữa các nhân viên vận chuyển hàng viện trợ, các đối tác thực hiện và các nhóm vũ trang và điều đó dẫn tới "thất thoát" lớn hàng viện trợ của cộng đồng quốc tế cho người dân nước này.

Rõ ràng, tình hình Xômali đã, đang xấu đi và rất cần sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Trung tuần tháng 3 này, Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định kéo dài chiến dịch chống cướp biển mang tên "Lá chắn đại dương" ở ngoài khơi vùng biển Xômali tới cuối năm 2012. Tuy nhiên, chỉ như vậy thôi chưa đủ. Điều quan trọng nhất tại Xômali hiện nay là sự ổn định nội bộ ở quốc gia này. Có như thế, Xômali mới thoát khỏi "hố đen" xung đột - bạo lực - tranh giành quyền lực.

Trung Hiếu