Từ những lỗ hổng trong giáo dục

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 18/03/2010

Lời Tòa Soạn: Hằng ngày, trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng luôn xuất hiện những sự việc thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.  Đáp ứng yêu cầu trên, từ hôm nay 18-3-2010, Báo Hànộimới mở chuyên mục Sự việc - Dư luận. Rất mong được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, tham gia viết bài, đóng góp ý kiến cho chuyên mục.

Đáp ứng yêu cầu trên, từ hôm nay 18-3-2010, Báo Hànộimới mở chuyên mục Sự việc - Dư luận. Rất mong được đông đảo bạn đọc hưởng ứng, tham gia viết bài, đóng góp ý kiến cho chuyên mục.

Việc một nhóm nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông đánh bạn ngay giữa thanh thiên bạch nhật rồi quay clip, tung lên mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự lệch lạc trong lối sống, đạo đức của một bộ phận trong giới trẻ hiện nay, đồng thời cho thấy những "lỗ hổng" lớn trong giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội. Hôm nay, Hànộimới trích đăng ý kiến của một số bạn đọc xung quanh sự việc này...

Mai Cẩm Tú, Viện Đại học Mở Hà Nội:
Một bộ phận giới trẻ đang có xu hướng tự "lăng xê" bằng scandal...

Xem clip này, tôi đau lòng nhưng không thấy sốc, bởi gần đây báo chí đưa tin, kết quả nghiên cứu hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học (khảo sát tại 200 trường THPT tại Hà Nội) cho thấy, có đến 96,7% số học sinh trả lời rằng ngay tại trường các em học có xảy ra tình trạng nữ sinh đánh nhau. Lý do thường rất "trời ơi" như: vì ghét nhau, vì nhìn đểu, vì học giỏi nhưng không chịu cho người khác coi bài... Đó là sự thật đã xảy ra từ rất lâu.

Việc chỉ trong vòng 4 tháng, liên tiếp có tới 5 video clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng rõ ràng phản ánh một hiện tượng đang trở thành "trào lưu" thiếu lành mạnh trong một bộ phận giới trẻ với mục đích khẳng định mình, tự lăng xê bằng những vụ scandal (?)... Với những vụ việc kiểu này, công an nên vào cuộc, tìm cho ra thủ phạm để có biện pháp xử lý.

Phạm Thanh Vân, Trường Đại học Ngoại thương:
Hậu quả từ việc "nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người"...

Về mặt xã hội, trước hết phải nói rằng, các phương tiện truyền thông và internet hiện nay đăng tải quá nhiều tin tức, hình ảnh bạo lực. Giữa một "rừng" thông tin như vậy, nếu không được dạy dỗ chu đáo về kỹ năng sống, các em rất dễ phạm sai lầm. Lâu nay nhà trường và gia đình chỉ quan tâm đến việc dạy văn hóa để học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng hướng dẫn các em về kỹ năng sống, cách giao tiếp, hành vi ứng xử sao cho thân thiện, nhân văn... thì chưa quan tâm đúng mức. Sự việc nữ sinh đánh nhau hội đồng là hậu quả tất yếu của tình trạng "nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người" trong nhà trường hiện nay. Đã đến lúc cần để học sinh tiếp cận nhiều hơn với những môn học về kỹ năng sống...

Hoàng Minh Chi, 29/2 Khuất Duy Tiến:
Trang bị kiến thức có tỷ lệ thuận với đạo đức học đường?

Không thể lấy một hiện tượng xã hội để quy chụp cho cả một thế hệ, nhưng thực trạng này đã phần nào phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh. 15 năm về trước, khi chúng tôi còn là những học sinh cấp 3, nói bậy một câu với bạn đã là chuyện hiếm, đừng nói đến việc nữ sinh túm tóc, đánh nhau giữa ban ngày. Xã hội càng phát triển, trang bị kiến thức của các em được nâng lên nhưng đạo đức học đường lại có dấu hiệu giảm xuống. Tôi thấy trường nào cũng treo khẩu hiệu "Tiên học lễ - Hậu học văn", nhưng làm thế nào để các em hiểu và sống theo đúng nghĩa của cụm từ này, đó là câu hỏi đặt ra với cả xã hội.

Bà Hoàng Thị Khánh, 58 tuổi (Yết Kiêu, Hà Đông):
Phải xem xét lại cách giáo dục đạo đức cho học sinh...

Nhiều ngày qua, tôi đọc báo, xem ti vi, thấy chuyện một số cháu nữ học sinh đánh bạn. Đây quả là một sự "báo động khẩn" về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong các nhà trường. Sự việc này cho thấy đạo đức của một bộ phận học sinh bị xuống cấp nghiêm trọng. Chúng ta, không chỉ riêng nhà trường, mà cả gia đình, các đoàn thể xã hội… cần xem xét lại sự giáo dục, dạy bảo các cháu trong độ tuổi học sinh.

Ban Bạn đọc