Cánh diều Thăng Long chờ Đại lễ
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:05, 18/03/2010
Hôm ấy, tôi nghĩ, đã là của để dành cho đại lễ thì cánh diều Đình Cúc phải thật xứng đáng, "con" diều 10 mét dài chưa thể chuyên chở đầy đủ mơ ước và tấm lòng người quê tôi với Thăng Long được. Thế là tôi làm "con" này, chờ ngày Thủ đô mở hội nghìn năm.
Nối tiếp truyền thống
Hôm chúng tôi về làng Lai Sơn (Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội), các thành viên CLB Diều Đình Cúc đã có mặt đông đủ. Họ tụ họp trong nhà Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Năm, người đã góp công sáng lập CLB và tới giờ vẫn xứng đáng với vai trò tiên phong, chăm chút cho cánh diều Đình Cúc xứng với truyền thống của một làng diều Bắc bộ.
Người Lai Sơn giờ vẫn ghi nhớ tên làng cổ Đình Cúc, nơi luôn có hội diều truyền thống vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hằng năm. Người già kể rằng, hội diều Đình Cúc có luật rất nghiêm và những tay nghề non nớt chẳng thể nào giúp diều của mình thắng cuộc. Ngày làng vào hội, Ban tổ chức (BTC) dựng hai cột tre thẳng, dài chừng hơn chục mét, trên đầu có mắc câu liêm, mỗi cột cách nhau 12 mét. Người chơi đứng giữa hai cột, phải làm sao thả cho diều lên thẳng đứng, chứ bị liệng, ngả nghiêng là vướng câu liêm, đứt dây, bay mất diều. Như thế thì không thể thắng cuộc được.
Nhưng, cái sự khó không chỉ có thế mà thôi. Diều là ước mơ, là sự thể hiện tài khéo của người Đình Cúc nên công đoạn làm diều nhất định phải được chú ý. Già làng Đình Cúc bắt người dự thi phải lên đình làm diều chứ không có chuyện nhà nào nhà nấy "đóng cửa bảo nhau", dăm ba anh xúm xít đỡ nhau làm diều. Làng cho mỗi tay thợ từ hai đến ba ngày để hoàn thành con diều mơ ước, nhưng phải "đóng đinh" ăn ngủ ở đình, không được phép về nhà. Làm xong diều, người dự thi không được phép thả thử, lần thả đầu tiên chính là lần thi chính thức. Điều đó đòi hỏi người làm diều phải chắc tay nghề.
Các thành viên CLB Diều Đình Cúc có thể nói chuyện diều cả ngày mà không chán. Họ kể chuyện xưa, chuyện nay, nhớ những ngày theo cha thả diều trên cánh đồng trải dài bất tận, nhớ cách người đi trước chăm chút cho cánh diều ước mơ. Anh Nguyễn Văn Duyệt, thành viên CLB kể cách làm diều sáo: "Tôi nhớ lúc ấy quãng năm 1958-1959 gì đó, cha còn làm dây diều bằng tre, dùng giấy bản làm thân diều. Lúc ấy, chơi diều thì phải cầu kỳ lắm, mất nhiều công sức hơn nhưng diều lại không bền như bây giờ".
Theo cách làm diều truyền thống, giấy bản thường được quết hồ - nấu bằng bột sắn hoặc bột gạo nếp. Sau khi bồi giấy kín hai mặt thân diều xong thì phải tìm củ nâu, giã nát rồi quết lên lần nữa để cánh diều có độ bền đủ chống lại nắng mưa. Mất công là thế nhưng cánh diều xưa không nhẹ nhàng như bây giờ bởi những bồi những dán làm con nào con nấy nặng hơn mức bình thường vài cân. Dây diều làm bằng chất liệu thiên nhiên, to hay nhỏ phụ thuộc vào kích cỡ của diều. Người chơi chặt tre bánh tẻ (không già không non), lột lấy phần cật để vót thành dây diều. Những đoạn dây rời rạc được nối với nhau theo kiểu "con sâu róm", cách nối mà các cụ cam đoan là "càng kéo càng thít chặt". Nối dây xong thì bỏ vào nồi to luộc với nước muối suốt 3 ngày 3 đêm mới bảo đảm độ chắc, dẻo, bền và có thể chơi lâu ngày. Ngày xưa, người chơi không dùng tời như bây giờ, nên sau khi diều no gió, thả hết dây thì buộc vào gốc cây. Ông Năm nói thêm: "Không chỉ dây, mà ngay cả sáo diều cũng vậy, muốn bền, đẹp, không bị nứt vỡ thì phải luộc nước muối nhiều ngày. Các cụ làm kỹ nên có những chiếc sáo diều "thọ" vài chục năm vẫn không nứt, rạn".
Ấp ủ "của để dành"
Ngày nay, người chơi đã tìm cách chuyển công nghệ vào cánh diều của mình. Họ tìm chất liệu hiện đại thay cho chất liệu truyền thống. Tre thì được dùng công nghệ sấy khô từng mảnh, ghép lại thành khung. Thân diều được làm bằng vải nilon nhập ngoại, diều nhẹ và không sợ mưa nắng. Việc áp dụng công nghệ mới giúp người chơi có thể làm được những con diều sáo lớn hơn trước nhiều.
Công nghệ mới giúp ông Năm và các thành viên CLB Diều Đình Cúc tự tin sẽ có "của để dành" đáng kể cho Thủ đô ngày mừng sinh nhật nghìn tuổi. "Hôm Hà Nội kỷ niệm 999 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 28-5-2009, Đình Cúc thuê xe mang con diều đại, dài chục mét sang đê Hải Bối thi tài với các CLB diều của Đông Anh, Hải Dương, Bắc Giang. Về nhà, ít hôm sau có anh bạn bên CLB Diều Thăng Long cho đọc bài báo trên Hànộimới Online, viết rằng tôi có "của để dành" cho Đại lễ, ý chỉ con diều mười mét của Đình Cúc. Đêm ấy, tôi nghĩ đã là của để dành cho Đại lễ thì phải thật xứng đáng. Thế là tôi bắt tay làm con diều mười hai mét rưỡi này", ông Năm vừa kể vừa chỉ về hướng con diều mà ông và người Đình Cúc định thả vào dịp Đại lễ kỷ niệm.
Người ta nói đã là diều truyền thống Bắc bộ thì nhất định không thể thiếu tiếng sáo. Khi làm xong con diều mười hai mét rưỡi, gác lên mái hiên nhà, ông Năm nghĩ ngay đến dàn sáo đi kèm với nó. Vẫn là nỗi niềm về "của để dành", nên ông quyết định làm bộ sáo diều kỷ lục. Đó là dàn sáo ba khổng lồ mà chiếc lớn nhất có độ dài gần mét và đường kính ba mươi phân, được ghép bởi gần trăm mảnh nan tre. Đầu tiên là tìm cho ra ống sáo đặc biệt, dùng máy dọc cho thẳng. Rồi phơi khô, bào, nạo cho mỏng bớt, đánh nhẵn từng nan một. Ghép trăm mảnh lại rồi thì mới đến công đoạn sơn, sơn đi sơn lại cho đến khi dậy màu và rõ từng nét hoa văn trên thân sáo. Nói là dàn sáo ba nhưng ông Năm cũng mất đứt ba tháng ròng cho nó bởi với sáo diều truyền thống thì không có chuyện nhiều người cùng xắn tay. "Người Đình Cúc làm sáo một mình, mỗi người một ý tưởng về loại sáo riêng của mình, như sáng tác một bức vẽ vậy", ông Năm nói.
"Sáo diều Bắc bộ chẳng nơi nào giống nơi nào. Bắc Giang thì chơi sáo một - hai, Hải Dương lại chơi bộ ba chiếc, nhưng sáo diều Đình Cúc thì đúng là chẳng giống ai, có khi là bộ ba nhưng cũng có khi là cả một dàn gần chục chiếc", "nhà thơ" Thanh Thảo - người Sóc Sơn chính hiệu nhưng hiềm nỗi nhà gần sân bay Nội Bài, không được phép thả diều nên đã "đầu quân" CLB Diều Thăng Long ở mãi Uy Nỗ, Đông Anh, gửi vào từng cánh diều những vần thơ "đặc sản" của riêng anh - nhận xét. CLB Thăng Long của anh Thảo cũng thường chơi sáo ba, có khi thêm chiếc thứ tư như thêm nốt trầm cho dàn nhạc. Người chơi sáo diều ở rải rác khắp Bắc bộ, nghe tiếng vẫn thường tìm đến nhau, để thi tài cao thấp hoặc đơn giản là tặng nhau một chiếc sáo diều. Ngày ông Năm bộc lộ "của để dành", khoái chí khoe cả chục dàn sáo đủ kích cỡ trong nhà mình, có người trêu "sáo ông như đàn ve". Ông Năm chẳng lấy đó làm điều, "phản đòn" ngay:" Đình Cúc chơi sáo phá cách, bộ sáo năm, sáo bảy chẳng như chiếc đàn tơ rưng sao!".
Trưa ấy, giữa những chén rượu Đình Cúc, chẳng biết thật hay đùa nhưng ông Năm bảo với chúng tôi là "có thể sẽ làm một con diều lớn hơn nữa", rồi nhờ cánh lính trẻ thuộc Trung đoàn 165 giúp thả con diều khổng lồ vào dịp Đại lễ. Ông nói: "Diều cỡ ấy cần mươi người giữ dây, 5 người tung diều mới được".
Chỉ còn chờ gió
Giữa trưa, ông Năm và các thành viên CLB lôi diều ra bờ ruộng cạnh nhà. Diều đã vào vị trí, sáo lắp xong và đó là lúc bắt đầu câu chuyện về gió. Ngày Hà Nội kỷ niệm 999 năm Thăng Long, trên bờ đê Hải Bối, người Đình Cúc đã phải bỏ sáo để diều nhẹ hơn, bởi hôm đó gió máy không đủ mức họ mong đợi. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, chơi diều mà không đủ gió, chuyện kể như xưa kia Chu Du đánh trận Xích Bích mà không có gió Đông vậy.
Người chơi diều nhìn mây đoán gió rất giỏi. Anh Nguyễn Văn Dụ, thành viên CLB Diều Đình Cúc nói: "Nhiều vùng ở Thái Bình, Hà Nam có gió cào. Gặp dịp gió cào, dân chơi diều có thể yên tâm diều của mình vi vút trên không cả tuần liền. Gió qua Đình Cúc là gió núi, quẩn, nên phải lựa gió mà thả. Ngày nào có gió trên gió dưới, khéo lựa đưa diều vào đúng tầng gió hợp lý thì thích lắm". Người làng Đình Cúc đã có kinh nghiệm đoán gió, biết cách tránh cho diều của mình không sa vào "tầng gió chết" (lặng gió). Gặp ngày có gió "đẹp", người chơi diều thỏa thích nới dây, đến hồi dây căng, tiếng sáo hay thì buộc dây diều, bởi quá tay vượt tầng gió thì diều chao. "Nhà thơ" Thanh Thảo thêm: "Thích nhất là mây trôi nhè nhẹ và gió nồm nam, chứ gặp gió mùa đông bắc giật mạnh thì cầm chắc diều nghiêng, sáo rít".
Người chơi diều lâu năm có thể nghe tiếng sáo mà đoán định cái tài của nhau, cứ nghe tiếng sáo diều vi vút, "rúc đều" là biết chủ nhân của nó "có hạng". Với làng diều Đình Cúc, tiếng sáo diều quan trọng tới mức có lần, ông chủ nhiệm Năm đã sắm nguyên một chiếc máy ghi âm rồi gửi nó vào không trung cùng con diều ước mơ của mình. Lần ấy, khi diều "về", ông Năm mở máy nghe, chỉ thấy tiếng gió ù ù. "Thế là phải cất công hỏi mấy anh kỹ thuật VTV4, rồi đệm thêm ít mút vào bên máy mới ổn"...
Chiều hôm ấy, chúng tôi mang về trung tâm Thủ đô ước muốn chung vui ngày Đại lễ của làng diều Đình Cúc và nỗi băn khoăn của họ: "Diều sáo Đình Cúc đã sẵn sàng, chỉ còn chờ hiệu lệnh góp vui cùng Thủ đô. Nhưng vào tháng mười, liệu có gió hay không? Hà Nội có thể mở hội diều vào dịp mừng ngày thống nhất đất nước, ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày nào thì cũng mang ý nghĩa mừng Thủ đô nghìn tuổi cả".