Nợ miệng

Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 18/03/2010

(HNM) - Mấy ngày nay, thấy bà giúp việc bần thần lo lắng, tôi hỏi:

- Hôm trước bác nói chuẩn bị giỗ bác trai, bác chỉ về quê một ngày, làm bát cơm quả trứng là xong, có gì mà phải lo lắng thế?

- Cô nói thế là chả hiểu gì chuyện "đất lề quê thói" rồi. Ở quê tôi, nghèo mấy cũng phải làm 4-5 mâm mời họ hàng làng xóm, ít cũng phải mất 4-5 triệu đồng. Nghèo đến mức phải đi ở như tôi thì đào đâu ra 4-5 triệu đồng mà không lo hả cô - bà giúp việc thật thà than thở.

- Trời đất, mộ bác trai đã cải táng từ năm ngoái rồi, năm nay làm giỗ đường, việc gì phải bày vẽ ra cho tốn kém.

- Không được đâu cô ơi, tập tục cả làng làm thế, họ hàng nợ miệng của nhau, mình không làm không mở mặt được. Năm trước, hàng xóm nhà tôi có ba anh em lo tổ chức cải táng cho mẹ, làm hơn chục mâm cỗ mời bà con láng giềng, họ hàng thân tộc. Lo xong, phân bổ tiền đóng góp rồi cãi nhau om tỏi. Anh con trai út nhà ấy kinh tế khó khăn phải đi vay lãi 3 triệu đồng để đóng góp, méo mặt mà vẫn phải làm. Buồn thế đấy cô ạ. Ai cũng thấy như thế là phiền phức, tốn kém nhưng không ai dám bỏ, vì còn phải trả nợ miệng và sợ thiên hạ chê cười là không có hiếu với người thân. "Con gà tức nhau tiếng gáy" cô ạ.

- Quê bác đã nghèo lại còn lạc hậu. Thế mấy ông cán bộ thôn, xã nhà bác đâu mà không tuyên truyền, giải thích với bà con rằng, thương chồng, thương cha mẹ là phải chăm sóc, sống tốt với nhau khi còn sống, lúc đã mồ yên mả đẹp thì người chết biết gì mà tổ chức giỗ chạp linh đình để vừa tốn kém vừa mệt mỏi.

- Cán bộ cũng phải thế cô ạ. Có điều các bác ấy có lương nên đỡ khổ, còn nghèo như chúng tôi thì lo lắm. Tuy nhiên, năm nay, tôi cũng nghe cô làm giỗ thật đơn giản xem sao. Không thể sỹ diện mãi vì mình nghèo cô ạ. Có điều phải có nhiều gia đình nữa cùng hưởng ứng thì mới từng bước xóa bỏ được.

Diệu Hương