Vì sao 60 công nhân phải nghỉ việc?
Đời sống - Ngày đăng : 08:45, 17/03/2010
Trước sự việc này, phóng viên Báo Hànộimới đã gặp gỡ các công nhân bị nghỉ việc và trao đổi với Chủ tịch Công đoàn của Công ty, bước đầu xin được thông tin cùng bạn đọc.
Công ty CP Liên hiệp thực phẩm (Công ty) là doanh nghiệp chuyên sản xuất bia chai và bia hơi, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các quận, huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2005, Công ty tiến hành cổ phần hóa với 297 cán bộ, công nhân viên. Khi bắt đầu cổ phần hóa, vốn của CBCNV chiếm 52,8%, vốn nhà nước chiếm 47,2%. Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại đã được đầu tư, thay thế với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp nên dù đầu tư lớn, việc sản xuất của Công ty vẫn không phát triển, thu nhập của người lao động bị giảm sút. Trước tình hình khó khăn, Công ty đã kêu gọi các cổ đông mua cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ hơn 9 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Mục tiêu của việc tăng vốn điều lệ là trả các khoản nợ đã vay để đầu tư, tăng sức mạnh tài chính và tháo gỡ khó khăn, đổi mới phát triển Công ty. Cuối năm 2008, HĐQT Công ty tiếp tục vạch ra chiến lược dài hạn, vận động nhiều cổ đông, nhiều CBCNV bán cổ phiếu cho nhà đầu tư mới với mong muốn tìm được lối thoát; kết quả là cơ cấu vốn điều lệ đã thay đổi, lúc này số vốn của CBCNV chỉ còn 8%, vốn nhà nước 47% và vốn các nhà đầu tư mới là 45%. Tháng 4-2009, Công ty đã vận động 90 người nghỉ việc, nhưng chỉ có 76 người tự nguyện nghỉ…
Ngày 11-3, nhiều công nhân tập trung trước cổng Công ty cổ phần Liên hiệp thực phẩm phản đối việc bị mất việc làm. |
Năm 2004, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi đất của Công ty để thực hiện dự án mở rộng đường Tô Hiệu, diện tích của Công ty bị giảm đi gần 2.500m2 (hiện còn hơn 11.000m2). Do vậy, cuối năm 2009, Công ty lại đưa ra giải pháp tăng vốn điều lệ để lấy tiền mua cổ phần của một công ty có trụ sở ở khu vực Ba La (Hà Đông) vì đơn vị này có mặt bằng phù hợp với việc sản xuất bia. Tin vào kế hoạch sản xuất lâu dài của Công ty, nhiều cổ đông đầu tư tiền mua thêm cổ phiếu nên vốn điều lệ của Công ty đã tăng từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Khi việc mua bán cổ phiếu đã xong, đầu năm 2010, Công ty ra thông báo do phải thu hẹp sản xuất vì ảnh hưởng của việc mở rộng đường Tô Hiệu và tình hình sản xuất tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với 60 công nhân (trong đó có gần 30 người là cổ đông) đang làm việc ở các tổ dây chuyền sản xuất bia chai và tổ dịch vụ. Việc chấm dứt hợp đồng không được thông báo trước nên đã gây bức xúc cho rất nhiều người.
Về vấn đề này, ông Lưu Xuân Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Ngay sau khi có cuộc họp (ngày 1-3-2010) thống nhất giữa ban lãnh đạo Công ty và BCH Công đoàn về việc giải quyết chế độ mất việc làm cho người lao động, ngày 2-3-2010, Công ty đã cho dán công khai thông báo về việc giải quyết chế độ cho người lao động bị mất việc làm. Hiện nay, Công ty đang dư thừa quá nhiều lao động, bia chai sản xuất không có lãi, bia hơi chỉ tiêu thụ được 7,4 triệu lít/năm nên hoạt động không hiệu quả. Công đoàn Công ty đã hai lần gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của CBCNV, nhưng với thực trạng hiện nay thì việc bố trí việc làm cho họ rất khó và phải phụ thuộc vào nhà đầu tư. Còn việc giải quyết chế độ cho người mất việc, Công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo chị Lưu Thúy Thơm, đại diện cho 60 công nhân bị nghỉ việc: Khi Công ty chưa đầu tư máy móc thì công nhân có việc làm ổn định, thu nhập cao; nhưng khi đã bỏ rất nhiều tiền để phát triển sản xuất thì hàng loạt công nhân mất việc làm? Đặc biệt, sau khi nhiều cổ đông đã bỏ tiền mua cổ phiếu, tăng vốn điều lệ… thì Công ty lại đẩy người lao động ra ngoài đường. Thực hiện việc bàn giao gần 2.500m2 đất cho Nhà nước, Công ty vẫn có thể bố trí các quầy hàng dịch vụ, nhưng điều này đã không được tận dụng để tạo việc làm cho người lao động?
Trước sự việc trên, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận cử cán bộ đến nắm tình hình, song do Công đoàn Công ty không trực thuộc Liên đoàn Lao động quận và người lao động cũng chưa gửi đơn đề nghị giải quyết nên Liên đoàn Lao động quận chưa thể đưa ra giải pháp cụ thể.
Để ổn định tình hình sản xuất của Công ty, đồng thời bảo đảm quyền lợi người lao động, đề nghị Công đoàn ngành công thương Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người lao động ở Công ty CP Liên hiệp thực phẩm.