Khám, điều trị mắt cho trẻ: Không khó nhưng phải đúng quy trình

Giáo dục - Ngày đăng : 08:31, 17/03/2010

(HNM) - Cận thị là một trong những nguyên nhân làm giảm thị lực, gây mù lòa. Đáng lưu ý, tỷ lệ học sinh mắc cận thị trên toàn quốc hiện đang tăng theo từng cấp học: hơn 17% ở cấp tiểu học, 33% ở cấp trung học cơ sở. Bệnh cận thị chỉ có thể phát hiện khi được bác sỹ chuyên khoa khám, kiểm tra thị lực...

Viện Khoa học giáo dục Việt Nam vừa công bố kết quả điều tra về tình hình mắc tật khúc xạ trên 2.250 học sinh tại 3 tỉnh Đà Nẵng, Hà Tĩnh và Hải Phòng. Theo điều tra này, có tới 26,14% học sinh mắc các tật khúc xạ, trong đó tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm 79,53%. Số học sinh nữ mắc tật khúc xạ là 29% cao hơn so với học sinh nam là 23%. Các nguyên nhân gây bệnh được chỉ ra là do học sinh xem tivi, chơi trò chơi điện tử và sử dụng internet quá nhiều; phòng học thiếu ánh sáng; tư thế ngồi học, đọc sách không đúng; bàn ghế không phù hợp...

Khám mắt cho học sinh tại Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Bảo Lâm


Hiện nay phương pháp điều trị phổ biến, tốn ít kinh phí là đeo kính. Tuy nhiên, bác sỹ Vũ Bích Thủy, Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, có nhiều trẻ em đeo kính quá sát mắt, kính lệch tâm trục thị giác, thậm chí có trường hợp "cận thị giả" nhưng vẫn được kê đơn kính thuốc. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là do trẻ được gia đình đưa đi đo thị lực tại các cơ sở không đủ điều kiện về chuyên môn hoặc không tuân thủ đầy đủ quy trình khi đo mắt. Cũng theo bác sỹ Thủy, khi đo độ cận hay loạn thị mà chỉ cho trẻ đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ thì chưa đủ, mà cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt để xác định chính xác. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều hiệu kính thuốc mặc dù đã được cấp phép đủ các điều kiện hoạt động vẫn bỏ qua công đoạn này. Thế nên, có những trẻ đã được kê đơn kính thuốc bị cận thị nhưng khi đến bệnh viện khám đúng quy trình thì lại không cận thị (chuyên môn gọi là "cận thị giả"), không phải đeo kính, chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc mắt đúng, mắt sẽ được hồi phục. Thêm nữa, tại các cửa hàng kính thuốc, người bệnh hầu như không được tư vấn cách chăm sóc mắt.

Đã có phần mềm hỗ trợ luyện mắt

Để giúp trẻ có thể nhanh chóng phục hồi thị lực, không phải đeo kính, trong gần 4 năm qua, nhóm bác sỹ của Bệnh viện Mắt TƯ đã nghiên cứu thành công phần mềm hỗ trợ điều trị nhược thị đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính và nhìn vào các bài tập được thiết kế riêng để buộc mắt phải tập thể dục, vận động, điều tiết hoặc kích thích phản xạ. Các bác sỹ sẽ phân mức độ tật khúc xạ nặng, nhẹ rồi đưa ra từng bài tập, thời gian tập phù hợp cho từng bệnh nhân (từ 15 phút đến 60 phút). Có rất nhiều bài tập vui nhộn khiến trẻ thích thú với việc luyện tập như hứng trứng gà, tìm máy bay... và cứ sau 15 phút luyện tập sẽ có phần nghỉ ngơi thư giãn cho mắt ngay trên máy tính.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ chuyên khoa, trẻ càng được phát hiện sớm các bệnh về mắt thì khả năng điều trị phục hồi thị lực sẽ càng nhanh. Có trường hợp thị lực trẻ rất kém, chỉ còn 1/10 nhưng sau 3,4 tuần điều trị bằng phần mềm hỗ trợ mới, thị lực đã trở lại hoàn toàn bình thường. Song trước tiên, khi thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa điều trị kịp thời, tránh đưa trẻ đến những cơ sở kính mắt không đủ điều kiện để tiền mất, tật mang.

Hồng Đông