Bài 3: Xé toang cửa ngõ Đức Lập

Chính trị - Ngày đăng : 08:01, 16/03/2010

(HNM) - Huyện Đắc Mil thuộc tỉnh Đắc Nông. Trước giải phóng đây là khu vực của quận lỵ Đức Lập (tỉnh Quảng Đức), có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đức Lập vừa là cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, vừa là cửa ngõ hiểm yếu từ rừng xuống biển, là "chiếc lá chắn" bảo vệ Buôn Ma Thuột. Do đó, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng Đức Lập thành khu quân sự kiên cố để có thể tiếp ứng cho Buôn Ma Thuột theo con đường chiến lược 14. Từ đây địch có thể mở các mũi vu hồi tấn công vào vùng giải phóng…

Hệ thống phòng thủ "bất khả xâm phạm"

Phó Bí thư Huyện ủy Đắc Mil Nguyễn Đình Nghĩa cùng chúng tôi thả bộ trong khuôn viên trụ sở cơ quan. Ông Nghĩa kể: Vị trí này trước đây chính là đầu não chỉ huy quân sự của địch tại quận lỵ Đức Lập. Sau này ta san ủi mặt bằng, xây dựng nhà cửa, trụ sở cơ quan, chắc chắn phía dưới còn không ít dấu tích của cuộc chiến quyết liệt hơn 35 năm về trước. Để án ngữ cửa ngõ Tây nam Buôn Ma Thuột, tại Đức Lập, Quân đội Sài Gòn xây 5 cứ điểm mạnh, điển hình là cứ điểm Núi Lửa án ngữ quốc lộ 14 (khu vực xã Thuận An), với các lô cốt, hầm ngầm và hệ thống chướng ngại vật dày đặc. Sở Chỉ huy hành quân Sư đoàn 23 đóng tại trung tâm, trận địa pháo 105 ly của địch đóng ở "đồi trung đoàn" (thuộc khu vực xã Đắc Lao), hằng ngày trút đạn xuống vùng căn cứ của ta (khu vực huyện Krông Nô). Ngoài 2 tiểu đoàn bộ binh, một chi đoàn xe tăng, 5 đại đội bảo an cùng các đơn vị trinh sát, công binh trực thuộc Sư đoàn 23, tại đây còn có sân bay trực thăng dã chiến và trường huấn luyện biệt kích đóng tại khu vực xã Đắc Sắc…

Cựu chiến binh Y Oanh trên rẫy cà phê giống mới. Ảnh: Hoàng Anh

Với một lực lượng cùng trang thiết bị chiến tranh đồ sộ như vậy, địch coi Đức Lập là một hệ thống phòng thủ "bất khả xâm phạm" và cho rằng "Việt Cộng" không dại gì chọn đây làm mục tiêu tấn công.

"Xóa sổ" quận lỵ Đức Lập

Ở Đắc Mil thời kháng chiến, lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực chủ yếu dựa vào sự đùm bọc che chở của đồng bào người M'Nông và người S'Tiêng. Dù không hẹn trước nhưng chúng tôi may mắn tìm được già Y Oanh trên rẫy, đang bận thay lứa cà phê cằn cỗi bằng giống mới cho năng suất cao hơn. Năm nay 67 tuổi, người rắn rỏi nhưng già mắc bệnh nặng tai nên câu chuyện chiến đấu của hơn ba chục năm trước cứ ề à, lặp đi, lặp lại trong cảm xúc mãnh liệt của niềm tự hào. Chắp ghép lại là như thế này: Đối lập với lực lượng của địch, hồi đó Đắc Mil chỉ có đại đội C50 gồm toàn anh em chiến sĩ người dân tộc đều đã dày dạn trong chiến đấu, một trung đội đặc công cùng 6 đội công tác. Bản thân Y Oanh là chỉ huy của một trong những đội công tác ấy, có nhiệm vụ ém trong dân ở các ấp chiến lược, vận động quần chúng để phát triển cơ sở tại chỗ, tổ chức "diệt ác, phá kìm", trinh sát nắm tình hình bố phòng của địch, quấy rối "hậu phương" của chúng nhằm phá vỡ các kế hoạch bình định, càn vào căn cứ của ta… Bổ sung cho câu chuyện của già Y Oanh, Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Nghĩa cho biết: Ngày đó không thể không nhắc tới công sức và sự đóng góp của bà con mình, những người dân dù đang sống trong các ấp chiến lược của địch hay tại vùng giải phóng đều chắt chiu từng hạt muối, lon gạo, củ khoai… để nuôi cán bộ cách mạng. Câu ca dao ngày đó già Y Oanh còn nhớ: "Nương rẫy của ta mạnh hơn ngân hàng tòa Bạch ốc/Cây sắn ta trồng là một mũi tiến công".

Các CCB Nguyễn Tùng Sơn, Phan Văn Điệp; ở ngay thị trấn Đắc Mil là những người chiến đấu trên chiến trường này từ những năm 1963-1964 cho đến ngày Đức Lập giải phóng đều rất tự hào về những năm tháng chia ngọt sẻ bùi với đồng bào. Ông Phan Văn Điệp kể: Tôi cùng đồng đội hành quân từ Hà Tĩnh vào Đức Lập từ năm 1963, sau đó được biên chế hẳn sang quân địa phương. Nhiệm vụ của anh em tôi ngày đó là trinh sát, giao liên, cung cấp tình hình và dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiêu diệt địch. Ngày nào chúng tôi cũng tổ chức nổ súng tập kích vào quận lỵ hoặc chặn địch trên đường 14, khiến chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Cho tới 5h55 ngày 9-3, khi lực lượng của Sư đoàn 10 chủ lực thuộc Bộ đội Tây Nguyên bắt đầu nổ súng tiến công Đức Lập, chúng vẫn tưởng là chỉ bị "quấy rối" như thường ngày. Chưa đầy 3 tiếng sau, Trung đoàn 28 chiếm cứ điểm Núi Lửa, Trung đoàn 66 chiếm Sở chỉ huy hành quân của Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn. Riêng tại khu vực trung tâm, dựa vào hệ thống lô cốt, hầm ngầm kiên cố, địch chống trả rất quyết liệt, Sư đoàn 10 phải tổ chức nhiều đợt tiến công, đưa pháo hạng nặng vào gần, hạ nòng bắn thẳng, tới 8h30 ngày 10-3-1975 ta mới làm chủ được quận lỵ. Cùng ngày hôm đó, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công căn cứ Đắc Sắc, chiếm Đắc Song. Về cơ bản, trong ngày 10-3, toàn bộ tuyến phòng thủ của địch tại Đức Lập sụp đổ, Buôn Ma Thuột bị chia cắt, cô lập.

Đắc Mil hôm nay

Nếu như sau ngày giải phóng, cuộc sống của bà con ở đây chỉ trông chờ vào vài chục hécta lúa nước cùng một ít diện tích trồng cà phê, thì nay Đắc Mil đã có trên 47.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 13%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 9%, công nghiệp - xây dựng tăng 35,4%... Thế nhưng chưa phải đã hết trăn trở. Theo Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Nghĩa, dân Đắc Mil chưa thể thỏa mãn với những gì đã làm được, mà đây mới chỉ là bước chạy đà trên con đường đi lên no ấm.

Quốc lộ 14 về Đắc Mil đang được nâng cấp và mở rộng. Ảnh: Lê Nhật Huy

Đắc Mil là một trong những huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắc Nông, dân số chiếm tới hơn 1/5 của cả tỉnh, nhưng lợi thế đó mới đang ở giai đoạn "đánh thức tiềm năng". Nói vậy bởi dù rằng nhìn về cơ bản Đắc Mil có địa thế khá thuận lợi về giao thông và 100% số xã trong huyện đều đã có đường ô tô vào đến trung tâm, nhưng hệ thống dịch vụ, thương mại còn chưa phát triển. Sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp bà con làm ra tiêu thụ rất khó khăn, chủ yếu qua thương lái. Trong khi đó, dù bình quân thu nhập đầu người chưa cao, song đây lại là địa bàn có giá cả chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ ngang với các thành phố của khu vực Tây Nguyên. Và một yếu tố nữa cũng cần phải nhắc đến đó là sự "ưu ái" quá nhiều của thiên tai. Ngay như trận lũ lớn ở Đắc Sô (xã Đắc Sắc) cuối năm 2009, tính ra đã có hơn 300ha cây trồng vụ đông cùng hàng ngàn gia cầm mất trắng, nhiều công trình thủy lợi cũng như nhà cửa của người dân bị hư hỏng nặng nề. Mà chuyện lũ ở Đắc Mil thì như "đến hẹn lại có" bởi một số xã thuộc huyện nằm trong khu vực "rốn lũ", 3 năm qua đã 2 lần phải phá đập Thọ Hoàng để xả lũ…

Theo quốc lộ 14, tính ra Đắc Mil (Đắc Nông) cách TP Buôn Ma Thuột của Đắc Lắc có hơn 60 cây số, nhưng hầu như toàn bộ tuyến đường đều đang trong giai đoạn nâng cấp và mở rộng, do đó khi về tới đây, chúng tôi được phủ một lớp bụi đỏ đặc trưng của cao nguyên bazan. Ông Nguyễn Đình Nghĩa đùa rằng, đất ở đây quý người, thì ngay như ông Nghĩa cũng là người được tỉnh cử xuống tăng cường cán bộ cho cơ sở. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác, nhìn vào tuyến đường chúng tôi đã đi, có thể nói cả Đắc Mil đang trong thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng. Lúc này chính là thời điểm Đắc Mil đầu tư chiều sâu, bỏ tiền, bỏ sức người, của cải đầu tư cho tương lai và chắc chắn ngày hái quả đang đến rất gần.

Đẩy địch vào thế trận tan rã không thể cứu vãn

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10 vạn quân địch; thu và phá hủy 110 máy bay; 17.183 súng các loại, trong đó có 12 khẩu pháo 175; 767 máy thông tin; 1.095 xe quân sự, trong đó có 72 xe tăng, xe bọc thép; thu toàn bộ kho tàng, thiết bị chỉ huy, cơ sở sửa chữa của Quân đoàn 2 của địch ở Tây Nguyên. Quân ta đã giải phóng một địa bàn chiến lược quan trọng, khiến cho hệ thống bố trí chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ bị chia cắt, tuyến phòng ngự ven biển miền Trung bị đe dọa trực tiếp. Thắng lợi vang dội ở Tây Nguyên cùng với thắng lợi trên các chiến trường khác đã tạo ra sự sụp đổ đột biến về tinh thần, lực lượng và thế trận của địch, đẩy địch vào thế bị tiêu diệt và tan rã không thể cứu vãn nổi.

Trần Chiến - Lê Hoàng Anh