EVN đầu tư ra nước ngoài: Khẳng định uy tín trong khu vực

Kinh tế - Ngày đăng : 08:51, 15/03/2010

(HNM) - Với việc thành lập Công ty cổ phần EVN Campuchia vào năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức đầu tư khai thác các dự án thủy điện Hạ Sê San 1/Hạ Sê San 2 và Sê San 5 tại Campuchia để cung cấp điện cho hệ thống điện Việt Nam, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia...

Việc triển khai nghiên cứu, đầu tư dự án Thủy điện Hạ Sê San 2 và Hạ Sê San 1/Sê San 5 nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật giữa 2 quốc gia: Việt Nam - Campuchia trên cơ sở biên bản ghi nhớ (MOU) được ký vào tháng 8-2007 giữa EVN và Bộ Công nghiệp Mỏ - Năng lượng Campuchia (MIME). Công ty được thành lập ngay sau khi MOU được ký là một hướng đi chiến lược của EVN nhằm mở rộng thị trường điện bằng cách tận dụng nhân lực và kinh nghiệm của các công ty trong nước để khai thác nguồn thủy điện dồi dào của các nước lân cận và kinh doanh có hiệu quả nguồn điện này, trên tinh thần hợp tác các bên cùng có lợi.

Dự án Thủy điện Hạ Sê San 2 nằm trên địa bàn tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia) có công suất 400MW, điện lượng trung bình 1.998,4 triệu kWh/năm. Chính phủ Campuchia đã thông qua chủ trương cho phép EVNI phát triển dự án theo hình thức BOT. Bộ MIME có văn bản chính thức mua 50% sản lượng điện của nhà máy. Hiện EVNI đã nộp hồ sơ đề xuất và các nội dung hợp đồng liên quan để đàm phán với Chính phủ Campuchia. Tính đến thời điểm hiện nay, EVNI là đơn vị của Việt Nam duy nhất đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trình xin phép xây dựng dự án thủy điện có công suất lớn (400MW) tại Campuchia. Theo kế hoạch hợp tác giữa EVNI và MIME, trong tương lai không xa EVNI sẽ là đơn vị chủ lực trong việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện vùng Đông bắc Campuchia. Dự kiến, việc triển khai thi công dự án sẽ diễn ra vào cuối năm 2010.

Dự án Thủy điện Hạ Sê San1/Sê San 5 nằm trên địa bàn biên giới hai nước Campuchia và Việt Nam có công suất 90MW, điện lượng trung bình 485,0 triệu kWh/năm. Đây là dự án được đánh giá là rất phức tạp, khó thực hiện, bởi địa bàn dự án nằm giữa biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, EVNI đang nỗ lực để thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đã đặt ra. Đồng bộ với các công trình nguồn là dự án đấu nối lưới điện truyền tải giữa các dự án thủy điện Hạ Sê San 1/Sê San 5 và Hạ Sê San 2 với mục đích đưa điện từ Nhà máy Thủy điện Hạ Sê San 2 về Việt Nam. Sau khi hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư, EVNI đã báo cáo các bộ. ngành Campuchia. Ngày 2-10-2008, Bộ Công thương đã có Quyết định số 5336/QĐ-BCT phê duyệt "Quy hoạch đấu nối các nhà máy thủy điện Hạ Sê San 1/Sê San 5 và Hạ Sê San 2 vào hệ thống điện Việt Nam". Bên cạnh các công trình trên, EVNI đang khảo sát để xây dựng dự án thủy điện trên dòng SKơng, với công suất nghiên cứu sơ bộ của JAICA (Nhật Bản) khoảng 150MW, điện lượng trung bình 690,7 triệu kWh/năm; triển khai các lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ khác, như xây lắp để chủ động về tiến độ một số hạng mục dự án; quản lý vận hành khi đưa dự án vào sử dụng; kinh doanh dịch vụ như bất động sản, viễn thông, du lịch…

Theo EVN, trước đây có nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án thủy điện tại Lào (tổng công suất khoảng 5.000MW), nhưng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên hiện nay còn ít các nhà đầu tư triển khai đầu tư các dự án thủy điện tại thị trường này; để bảo đảm chiến lược phát triển trung, dài hạn của EVNI, trong giai đoạn này ngoài việc tập trung đối với thị trường tại Campuchia, EVNI cũng tìm cơ hội đầu tư tại Lào với việc triển khai nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện Nậm Mô 1 (công suất 72MW) và một số dự án khác mà các nhà đầu tư khác rút lui. Trước mắt sẽ đàm phán với chủ đầu tư và Chính phủ Lào để chuyển giao dự án Nậm Theun 1 (công suất 523MW), nằm trên địa bàn tỉnh Bolikhamxay, dự án sau khi hoàn thành sẽ bán điện chủ yếu về Việt Nam.

Hơn 2 năm qua, EVNI đã xây dựng được hình ảnh của EVN, một tập đoàn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng cầu nối giữa ngành điện nước ta với ngành điện và bộ, ngành của các nước bạn. Định hướng của EVNI là phát triển mạnh trong tương lai, tiếp tục mở rộng đầu tư sang các nước trong khu vực và trong khối ASEAN, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các nước có dự án đầu tư; đồng thời thông qua lưới điện liên kết đưa một lượng điện năng về Việt Nam nhằm giải quyết một phần tình trạng thiếu điện trong những năm tới, bảo đảm cho hệ thống điện trong nước vận hành được an toàn và tin cậy hơn.

Thanh Mai