Tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương: Thêm nhiều cơ hội cho Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 08:13, 15/03/2010

(HNM) - Hôm nay (15-3) vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ diễn ra tại Menbơn (Ôxtrâylia) và kéo dài đến ngày 19-3. Hiệp định đang mở ra con đường thương mại mới ở Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thiên niên kỷ mới.

Trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh nội dung vòng đàm phán, Đại sứ Ôxtrâylia tại Việt Nam Alếchtơ Coót vừa cho biết:

Đại sứ Ôxtrâylia tại Việt Nam Alếchtơ Coót trong cuộc họp báo.

Vòng đàm phán khởi động này chủ yếu nhằm đạt được những thỏa thuận trên nguyên tắc chung bao gồm khuôn khổ, phạm vi, cách tổ chức đàm phán. Một số vấn đề quan trọng sẽ được các bên bàn thảo như sự tiếp cận cho hàng hóa nông nghiệp, cách thức giảm rào cản thương mại, tăng cường năng lực trong kiểm định động, thực vật... Việt Nam tham gia vòng đàm phán với tư cách "thành viên liên kết", trước khi quyết định có tham gia TPP như một thành viên chính thức. Việc tham gia hiệp định này sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội, trong đó có việc tham gia vào chuỗi cung cấp toàn cầu, đưa các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho vòng đàm phán này?

- TPP được 4 thành viên sáng lập gồm NiuDilân, Xingapo, Chilê, Brunây ký năm 2005. Vì thế, đây là sự mở rộng của Hiệp định TPP. Tham gia đàm phán lần này có thêm 4 thành viên mới là Ôxtrâylia, Mỹ, Pêru và Việt Nam. Cũng như các nước thành viên, Việt Nam mong muốn thông qua hiệp định này để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tư cách là quốc gia đang phát triển, tiếng nói của Việt Nam có thể đại diện cho các nước cùng trình độ muốn tham gia hiệp định. Với kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng, tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành vai trò của mình trong vòng đàm phán này.

- Hiệp định có giúp Việt Nam giảm bớt rào cản thương mại từ các thành viên có sức mạnh kinh tế lớn hơn cũng như đối phó với vấn đề thuế chống bán phá giá?

- Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà các đối tác tham gia đàm phán đều quan tâm, bởi đó là hình thức cạnh tranh không lành mạnh mà một số nước đang lạm dụng. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tôi nghĩ rằng các bạn nên tận dụng các quy tắc trong sân chơi WTO để giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng rào phi thuế quan hay chống bán phá giá. Ôxtrâylia luôn hạn chế và khuyến khích các đối tác của mình không nên lạm dụng hàng rào phi thuế quan vì nó sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Trong các vòng đàm phán TPP, tôi mong rằng các nước sẽ thảo luận một cách cụ thể để hàng rào phi thuế quan không trở thành rào cản thương mại.

- Việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam - Chilê đang bế tắc, liệu điều đó có ảnh hưởng đến đàm phán TPP?

- Bế tắc trong đàm phán thương mại tự do là điều bình thường. Ôxtrâylia cũng đang gặp khó khăn khi đàm phán thương mại với Trung Quốc và Malaixia. Thực tế cho thấy, đàm phán thương mại không phải lúc nào cũng thuận lợi, bởi các bên luôn có lập trường riêng, nhiều khi cứng rắn. Tôi nghĩ Việt Nam và Chilê là những nhà đàm phán cứng rắn. Tuy nhiên, Chilê rất hoan nghênh Việt Nam tham gia vòng đàm phán này. Tôi nghĩ rằng, bế tắc trong đàm phán song phương Việt Nam - Chilê không ảnh hưởng đến đàm phán TPP.

- Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chưa đủ mạnh để tham gia Hiệp định TPP. Quan điểm của Đại sứ về vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do là nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Khi tham gia TPP, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mang vào Việt Nam kinh nghiệm, vốn, trình độ... giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn. Tôi biết Việt Nam còn một số thách thức khi tham gia TPP như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vấn đề thủ tục hành chính. Chính phủ Việt Nam cũng nhận ra điều này và đang quyết tâm khắc phục. Tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất, Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn này để phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

- Xin cảm ơn Đại sứ!

Đình Hiệp