Nigiêria: Bên bờ vực nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 08:08, 15/03/2010
Cho dù đến hôm nay (15-3), an ninh đã được thắt chặt với lệnh báo động đỏ, quân đội được điều đến khu vực xảy ra bạo lực, nhưng dư chấn của vụ sát hại đang là thách thức lớn về an ninh ở quốc gia vùng châu Phi này. Đây không phải là lần đầu tiên vụ việc như vậy xảy ra tại thành phố Giô. Đầu năm 2010, cũng tại đây đã xảy ra bạo lực nghiêm trọng do xung đột tôn giáo làm gần 300 người thiệt mạng, 800 người bị thương và khoảng 3.000 người bị mất nhà ở. Trong năm 2009, dư luận đã điểm ra 3 vụ xung đột lớn liên quan đến tôn giáo ở quốc gia này khiến hơn 100 người thiệt mạng. Còn trong một thập kỷ qua, hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực tôn giáo và sắc tộc tại khu vực này…
Người ta lo ngại rằng, gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết thì việc điều tra, bắt giữ chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Xung đột bạo lực ở Nigiêria xuất phát từ mâu thuẫn giữa cộng đồng Hồi giáo từ miền Bắc đến miền Nam sinh sống cho rằng bị chính quyền địa phương do người Thiên Chúa giáo nắm giữ phân biệt đối xử. Thành phố Giô nằm giữa miền Bắc, nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống và miền Nam với đa số dân là người Thiên Chúa giáo, được xem nơi bùng phát xung đột là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng mâu thuẫn sắc tộc hay tôn giáo không phải là cội rễ của vấn đề, mà nguyên nhân chính là nghèo đói. Nigiêria là quốc gia có nguồn dầu mỏ dồi dào tại châu Phi nhưng tới nay, đa số người dân nước này vẫn sống với thu nhập dưới mức 1 USD/ngày. Mâu thuẫn có thể thấy rõ ở bang Platô. Người ta cho rằng, nguyên nhân các vụ tàn sát đẫm máu xuất phát từ việc tranh giành quyền kiểm soát các khu đất màu mỡ giữa những người chăn gia súc theo đạo Hồi ở phía Bắc và những nông dân ở phía Nam. Còn rộng hơn, theo các nhà quan sát, dựa vào sự bất ổn, các công ty dầu mỏ ở Nigiêria thường kích động thù hằn sắc tộc để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, chiếm đoạt công việc làm ăn của đối tác. Thêm vào đó, vấn nạn tham nhũng đã và đang là thách thức hiện hữu tại quốc gia này.
Trên chính trường, bất ổn cũng gia tăng nghiêm trọng. Ông G.Giônathan được chỉ định lãnh đạo đất nước khi Tổng thống Umaru Y.Ađua sang Arập Xêút điều trị bệnh tim. Tuy nhiên, sự đấu đá quyền lực giữa phe cánh của Tổng thống Umaru Y.Ađua xuất thân từ miền Bắc và ông G.Giônathan từ miền Nam khiến ông Y.Ađua đã về nước xong chưa dám xuất hiện trước công chúng.
Bạo lực, xung đột, tranh giành quyền lực đang đẩy Nigiêria tới bờ vực nguy hiểm. Lo ngại về một Nigiêria bị Taliban hóa không phải không có cơ sở. Cách đây không lâu, một nhóm Hồi giáo cực đoan tự nhận là chiến binh Taliban đã tấn công phá hủy nhiều nhà thờ và đồn cảnh sát, sát hại một loạt các nhân viên hành pháp, công chức và cả dân thường tại một số khu vực của Nigiêria. Do đó, sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế với quốc gia châu Phi này hiện nay đang trở nên hết sức cấp bách.