Thực chất làm nên sức bền

Chính trị - Ngày đăng : 07:59, 15/03/2010

(HNM) - Đầu năm 2010, gần 100% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH) ở quận Hà Đông (Hà Nội) đều được gắn tấm biển xanh in dòng chữ "Gia đình văn hóa" trước cửa nhà.

Theo chủ trương của quận Hà Đông thì việc gắn biển GĐVH là bước cuối cùng để công khai danh hiệu và sẽ là động lực để mỗi gia đình nhìn vào đó thực hiện ngày một tốt hơn truyền thống văn hóa của gia đình mình. Song việc gắn biển hiệu GĐVH tràn lan này đang tạo nên nhiều chiều dư luận và từ đây câu chuyện danh hiệu và thực chất của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TD ĐKXD ĐSVH) một lần nữa cần được nhìn nhận thẳng thắn hơn.

Hình thức, lãng phí?

Ông Quách Ngọc Ân, phường La Khê phản ánh: Nhiều hộ dân trên địa bàn phường không thích phô trương đã tự gỡ biển hiệu GĐVH xuống, nhất là những hộ có hoạt động kinh doanh buôn bán. Tương tự, anh Vũ Huy Hiệu, phường Dương Nội cho hay: Cả nhà anh đi làm từ sáng đến tối, không biết nhà mình được gắn biển, cũng không biết tấm biển đó được gắn lên tường vào thời gian nào. Đối với anh, tấm biển GĐVH gần như không có ý nghĩa gì, thậm chí còn khá bất tiện bởi ảnh hưởng tới cảnh quan chung của ngôi nhà. Anh cho rằng gia đình có văn hóa hay không thể hiện trong lối sống, lối sinh hoạt và cách ứng xử thường ngày tại địa phương chứ không chỉ căn cứ vào tấm biển.

Biển chứng nhận gia đình văn hóa được gắn trước cửa các hộ tại quận Hà Đông. Ảnh: Thái Hiền 

Đồng tình với việc tôn vinh GĐVH bằng hình thức gắn biển, song ông Nguyễn Văn Dục (Bí thư chi bộ tổ dân phố số 8 phường Phúc La) đánh giá: Khâu bình xét danh hiệu thiếu chặt chẽ, các gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH quá nhiều, cũng có nghĩa là các biển hiệu được gắn quá tràn lan, gây lãng phí. Mặt khác, việc gắn biển công khai cũng khiến các hộ gia đình không đạt danh hiệu xuất hiện nhiều mặc cảm và có những thái độ tiêu cực. Ông Dục đề xuất, quận Hà Đông nên tổ chức một cuộc thăm dò, khảo sát dư luận xã hội, thậm chí cần tổ chức hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi và nhìn nhận rõ vấn đề cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Hơn thế, biển hiệu GĐVH được gắn lên tường trước cửa mỗi gia đình ở đây không ghi rõ năm được nhận danh hiệu. Như vậy, nếu lật ngược vấn đề: gia đình đó trong năm đó có người vi phạm pháp luật, không thực hiện tốt các tiêu chuẩn như gia đình hòa thuận, đoàn kết tương trợ xóm phố, không thực hiện tốt trách nhiệm công dân... không còn đủ điều kiện đạt danh hiệu GĐVH thì tấm bảng đó sẽ được xử lý như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trường Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Trưởng BCĐ phong trào TD ĐKXD ĐSVH quận cho biết: Trước đây với giấy chứng nhận GĐVH được cấp, có gia đình treo lên trang trọng, nhưng cũng có những gia đình lại cất trong tủ hoặc... để đâu đó, danh hiệu GĐVH được công nhận vì thế cũng ít nhiều giảm đi ý nghĩa và hiệu quả. Cho nên, quận Hà Đông có chủ trương chuyển từ hình thức cấp giấy chứng nhận sang hình thức gắn biển hiệu GĐVH. Việc gắn biển nhằm công khai ghi nhận, biểu dương những gia đình đạt chuẩn GĐVH và tạo động lực thúc đẩy các gia đình gìn giữ danh hiệu, còn đối với các gia đình chưa đạt, tấm biển sẽ là mục tiêu để phấn đấu. Trên tinh thần đó, các gia đình đã gắn biển nhưng không còn đạt tiêu chuẩn nữa... thì tấm biển công nhận sẽ được tháo gỡ. Ông Trường cũng cho biết: Quận đã gắn biển GĐVH cho gần 40.000 hộ với kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Như vậy, nếu đem so sánh số tiền được trích từ ngân sách để thực hiện việc gắn biển hiệu GĐVH mà không nhận được sự hưởng ứng, đón nhận nhiệt tình của chính những hộ gia đình được gắn biển thì xem ra việc làm trên ở quận Hà Đông đã trở nên hình thức, lãng phí.

Cần sự thực chất

Khẳng định việc gắn biển hiệu là hình thức tôn vinh GĐVH, song ông Nguyễn Văn Trường cũng thừa nhận: "Khâu bình xét danh hiệu GĐVH được tiến hành tại các phường trên địa bàn quận còn thiếu chặt chẽ, có nơi chưa bảo đảm đúng quy trình, một số nơi còn tình trạng xuê xoa, dễ dãi và khá phổ biến là hiện tượng chạy theo chỉ tiêu, thành tích. Đây chính là mấu chốt dẫn đến việc tấm biển GĐVH chưa thực sự khiến người dân trân trọng". Còn bà Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Quận ủy Hà Đông khẳng định: "Vướng mắc cần khẩn trương tháo gỡ hiện nay chính là siết chặt khâu bình xét danh hiệu để mỗi tấm biển GĐVH được gắn sẽ thực sự là một sự biểu dương không mang tính hình thức".

Xây dựng gia đình văn hóa là chủ trương hoàn toàn đúng của Nhà nước và đã được nêu trong các văn bản pháp lý liên quan như Luật Thi đua khen thưởng, Nghị định 121/2005/NĐ-CP, Quyết định 62/2006/QĐ-BVHTT (nay là Bộ VH-TT&DL)... Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL không quy định việc gắn biển hiệu GĐVH mà do địa phương tự làm. Nói như ông Vương Duy Bảo, Cục phó Cục Văn hóa cơ sở thì việc gắn biển hiệu GĐVH ở các địa phương chưa hẳn là không đúng, nhưng nó cần đi vào thực chất hơn, tức là phải được gắn cho các gia đình thực sự xứng đáng.

Đáng buồn là khi những người có trách nhiệm của quận Hà Đông "nhìn thấy" vấn đề thì sự việc cũng đã rồi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương giản đơn chạy theo thành tích trong phong trào TD ĐKXD ĐSVH.

Ông Phùng Quang Trung, Trưởng phòng Nếp sống và gia đình, Sở VH-TT&DL kiêm Chánh Văn phòng BCĐ phong trào TD ĐKXD ĐSVH thành phố Hà Nội:

Thành phố luôn đề cao yếu tố thực chất của các danh hiệu văn hóa và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của phong trào trong năm 2010, do đó việc gắn biển hiệu GĐVH ở Hà Đông cho dù có mục đích chính đáng, có ý nghĩa tôn vinh nhưng tiến hành một cách phô trương, lãng phí thì BCĐ thành phố cũng sẽ yêu cầu phải dừng lại.

Hà Hiền