Phim truyền hình 2010: Bùng nổ với cường độ mạnh
Giải trí - Ngày đăng : 07:42, 14/03/2010
Tăng giờ vàng, nhiều đề tài...
Mặc dù đã có khá nhiều khung “giờ Vàng” ở các kênh sóng dành chiếu phim Việt, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) vừa mở thêm khung 11h và 13h các ngày trong tuần trên HTV7, kể từ ngày 1-1-2010, nâng tổng số tập phim Việt lên sóng HTV trong năm nay khoảng 1.800 tập. Kênh HTV1 của Đài PT-TH Hà Nội, bên cạnh giờ buổi sáng thường phát phim Việt thì cũng kể từ thời điểm trên, dành riêng khung 19h45 các ngày từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần, để phát sóng phim Việt, thay cho các phim nước ngoài “án ngữ” nhiều năm nay. Chưa kể, kênh VTV9 Let’s Việt, kênh Today TV… đều đặn mỗi ngày một tập phim Việt mới. Bên cạnh đó, các đài PT-TH ở nhiều địa phương nô nức làm phim như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng… khiến bộ mặt phim TH năm nay càng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Đúng là nhà nhà làm phim, người người làm phim.
Những người đẹp trong phim Thẩm mỹ viện. |
Mặc dù các đơn vị xã hội hóa vẫn “say đắm” với mảng đề tài giải trí nhưng đã chú ý khai thác những đề tài lạ, như giải phẫu thẩm mỹ (Thẩm mỹ viện), hậu trường của giới showbiz (Phía sau hào quang), bạo hành trẻ em (Nụ hồng và bóng đêm)... Các phim chính luận hay đề tài xã hội, dù thật sự thách thức những người làm phim, đặc biệt là các nhà sản xuất, nhưng tiếp tục là mảnh đất màu mỡ được khai thác, hứa hẹn những bộ phim được chú ý. Về thị trường chứng khoán có Phiên chợ số (Hãng Phim TH TP Hồ Chí Minh TFS), về tham nhũng có Ám ảnh xanh (Hãng Phim truyện Việt Nam chi nhánh phía Nam)... Rõ ràng, các đơn vị xã hội hóa đã bắt đầu tham dự vào đề tài chính luận và điều tra (vốn là “đặc sản” của Trung tâm Sản xuất phim TH của VTV - VFC). Đặc biệt, VFC sẽ tung ra 50 tập phim Bí thư Tỉnh ủy dựa theo nguyên mẫu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - ông Kim Ngọc, người được coi là “cha đẻ” của “khoán hộ” (tiền thân của khoán 10 sau này). Những vấn đề liên quan đến giáo dục - thi cử, dù chuyện xưa nhưng chắc còn vang vọng đến hôm nay, với bộ phim dài tập Lều chõng (TFS) đánh dấu sự trở lại phim truyền hình của đạo diễn “Đời cát” Thanh Vân.
Các phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được hy vọng sẽ góp sắc diện đậm nét trên màn ảnh nhỏ, như: Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, Hãng Phim truyện I sản xuất theo đặt hàng của TP Hà Nội), Nếp nhà (40 tập, VFC), Vó ngựa trời Nam (37 tập, TFS)…
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Hàng chục đơn vị tư nhân nhảy vào “trận địa” sản xuất phim nhưng lại rất hiếm người am hiểu về phim ảnh, nói gì đến những nhà sản xuất phim chuyên nghiệp có tâm và có tầm. Vì thế, bộ mặt phim ảnh trên TH còn ngổn ngang như bãi đất vừa cày xới. Nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập phải lên báo “than thở” về những nhà sản xuất đến đặt hàng ông “Việt hóa” kịch bản nhưng chẳng hiểu gì về phim. Ông bảo kịch bản không phù hợp với văn hóa và con người Việt Nam, nghĩa là không thể “hóa” được nhưng nhà sản xuất vẫn “quyết tâm” làm. Hay có kịch bản “được” nhưng nhà sản xuất chưa đánh giá đúng công việc của người chuyển thể nên tìm người làm với giá “rẻ”. Kết cục là những bộ phim lên sóng bị khán giả kêu than. Thực tế thời gian qua, nhiều dự án “Việt hóa” không thể đi hết được chặng đường dài: Những người độc thân vui vẻ dừng ở tập 171 thay vì kế hoạch hơn 300 tập, Cô nàng bất đắc dĩ chỉ sản xuất 100 tập, trong khi dự án khoảng 150 tập…
Bộ mặt phim TH ngổn ngang còn vì phim vẫn được sản xuất theo kiểu… gặp đâu làm đó, được chăng hay chớ… Các “nhà đài” hầu như chẳng có định hướng nào về mặt đề tài hay phân bổ kế hoạch sản xuất sao cho hợp lý, khoa học… dù có đài ban hành cả quy chế hợp tác sản xuất phim. Quy trình thông thường là các hãng phim có đề cương kịch bản gửi lên, rồi duyệt đề cương, kịch bản chi tiết… Vậy nên nhiều hãng phim có tên tuổi, có bề dày hàng chục năm tức anh ách khi các hãng phim mới ra lò, giám đốc hãng chưa một lần làm nhà sản xuất phim mà vẫn cứ ngồi trước hội đồng duyệt phim của các đài để “bảo vệ đề cương kịch bản”, rồi phim lên sóng ào ào. Dự án trước chưa “xuôi” đã tiếp tục kéo quân làm dự án sau…
Không ít người cậy có quan hệ, lấy kịch bản nước ngoài rồi “biến báo” đi đôi chút với cái mác “chuyển thể” nhưng không đề rõ trên kịch bản là chuyển thể… Rồi phim cứ sản xuất, lên sóng, mặc cho báo chí hay khán giả “vạch tội”… Sao không công khai kế hoạch sản xuất mỗi năm ở những mảng đề tài này, vấn đề kia? Sao không tổ chức “đấu thầu” để hãng phim có năng lực thực sự được làm phim? Vô hình trung, cung cách làm phim hiện nay ở các đài tạo cơ hội cho những tiêu cực phát sinh? Chưa kể còn nảy sinh nhiều trung gian, đẩy giá thành phim lên cao mà chất lượng càng xuống thấp.
Phim TH trong nước đang đứng trước vận hội lớn, khi được khán giả cực kỳ ưu ái. Các “nhà đài”, ngoài nỗ lực tăng thời lượng, tìm cách “đổi món”… để đem đến những bữa ăn tinh thần phong phú, hấp dẫn hơn cho khán giả, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng của phim TH Việt Nam thì còn ngổn ngang nhiều việc phải làm. Dẫu không thể dễ dàng thay đổi một sớm, một chiều hay nói là làm được ngay nhưng hãy bắt đầu bằng việc đổi mới tư duy: phải sản xuất phim truyền hình một cách chuyên nghiệp ở các khâu.