Tranh chấp thương mại Braxin - Mỹ: “Sợi bông” đòi bình đẳng
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 14/03/2010
Theo biểu thuế mới của Braxin, hoa quả tươi của Mỹ phải chịu mức thuế 30% thay vì 10%, thuế kẹo cao su tăng từ 18% lên 36%, ô tô của Mỹ phải chịu mức thuế 50% thay vì 35% như hiện nay...
Dự tính, khi áp mức thuế mới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tổn thất khoảng 591 triệu USD. Đây là hành động trả đũa đầu tiên của Braxin sau khi "quốc gia bóng đá" thắng Mỹ trong vụ kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Mỹ trợ cấp cho nông dân trồng bông, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu bông nguyên liệu của Braxin.
Mỹ trợ giá đã gây khốn đốn cho những cánh đồng bông Braxin. |
Braxin tăng thuế sau khi thắng kiện với phán quyết (tháng 11-2009) của WTO rằng, Braxin được quyết định gần 830 triệu USD tiền phạt vì Chính phủ Mỹ đã chi "quá tay" trong trợ cấp cho người trồng bông nước này cũng như hỗ trợ người dân qua chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu.
Vụ việc ngay lập tức đã đe dọa đến quan hệ thương mại giữa hai đối tác lớn ở Bắc và Nam Mỹ và đang được cả châu Mỹ quan tâm. Năm 2009, kim ngạch thương mại song phương Braxin - Mỹ đạt 46,3 tỷ USD.
Chính sách trợ cấp nông nghiệp của Mỹ từ lâu đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn quốc tế. Việc Mỹ trợ giá cho hàng vải bông đã giúp các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm thấp hơn các đối thủ bên ngoài và ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường thế giới, tác động không nhỏ tới những người trồng bông tại Braxin và các nước trồng bông trên thế giới.
Có lượng xuất khẩu bông thứ 2 trên hành tinh, theo Tổ chức Xóa đói nghèo và bất công (Oxfam), mỗi năm ngành sản xuất bông ở Mỹ được trợ cấp tới 3,2 tỷ USD và trợ giá xuất khẩu tới 1,6 tỷ USD. Kết quả là lượng bông vải thặng dư đã khiến giá bông xuất khẩu ở mức thấp, gây thiệt hại cho nông dân các nước nghèo và các nước đang phát triển, trong đó có Braxin. Là nước xuất khẩu bông đứng thứ 5 thế giới, Braxin đã đâm đơn kiện lên WTO việc Mỹ vi phạm các cam kết của mình tại tổ chức quốc tế này. Năm 2007, WTO đã ra phán quyết cuối cùng, khẳng định ủng hộ bản án sơ thẩm nghiêng về phía Braxin trong vụ kiện bông hồi tháng 9-2004. Ủy ban Giải quyết tranh chấp của WTO kết luận việc Mỹ trợ giá cho ngành sản xuất bông trong nước là bất hợp pháp và vi phạm các quy định thương mại của WTO.
Từ trước đến nay, các khoản trợ cấp nông nghiệp là một trong những vấn đề gây nhiều tranh chấp nhất giữa nước giàu và nước nghèo.
Sau khi "Điều khoản hòa bình" (Peace clause) của Hiệp định Nông nghiệp chấm dứt hiệu lực vào năm 2004, các nước phát triển phải đối diện với nguy cơ bị các đối tác thương mại kiện về trợ cấp nông nghiệp. Điều khoản hòa bình cho phép các nước áp dụng trợ cấp nông nghiệp tạm thời không bị kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO theo quy định của Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng.
Tuy nhiên, khi điều khoản này hết hiệu lực, nhiều biện pháp trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dành cho nông sản cụ thể đã đối diện với khả năng bị kiện tại WTO. Vụ kiện thành công của Braxin khiến EU và Mỹ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa từ các đối tác. Trong lịch sử tranh chấp của WTO, việc Braxin thắng kiện Mỹ trong vụ "sợi bông" đòi bình đẳng và thắng kiện cả EU trong vụ kiện về trợ cấp đường ăn đã mở đường cho các nước "dũng cảm" kiện Mỹ khi có tranh chấp thương mại.
Theo quy định của WTO, biểu thuế gia tăng của Braxin với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực trong vòng một tháng, trừ phi từ nay tới lúc đó hai nước có thể tự dàn xếp. Theo nhiều nguồn tin quốc tế, các quan chức Mỹ và Braxin đã bắt đầu đàm phán để giải quyết "sự cố" sợi bông.
Ngay sau khi Braxin tuyên bố tăng thuế với hàng hóa Mỹ, Tổng thống Braxin Lula đờ Xinva đã yêu cầu Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama giải quyết vụ tranh chấp. Cuối cùng, một điều dễ nhận ra là, dù luôn kêu gọi tự do thương mại nhưng tư tưởng bảo hộ chưa bao giờ lùi bước tại các nước có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh. Vụ tranh chấp thương mại Braxin - Mỹ là bài học cho các nền kinh tế mới nổi đang muốn hội nhập sâu hơn vào nền thương mại toàn cầu.