Sóc Sơn: Tăng cường giải pháp phòng cháy rừng

Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 13/03/2010

(HNM) - Thành phố Hà Nội có 31.956,7ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó đất có rừng chiếm gần 80% (24.800,7ha). Tuy nhiên, trong năm 2009 trên địa bàn xảy ra 29 vụ cháy rừng với diện tích 80ha, tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Sóc Sơn.

Vụ cháy 2,9ha mới đây nhất (ngày 18-2) tại tiểu khu Đền Sóc Sơn cho thấy, cần phải coi phương án cụ thể tại địa bàn trọng điểm là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng (QLBVR và PCCR).

Nguy cơ cháy rình rập

Huyện Sóc Sơn có 4.557ha rừng và đất lâm nghiệp, tập trung ở 10 xã, trong đó có 3.324ha được giao khoán cho hơn 1.000 hộ dân và Lâm trường Sóc Sơn quản lý. Hiện nay, mức khoán tính cho 1ha/năm là hơn 400.000 đồng (cao hơn toàn quốc 2 lần). Việc giao khoán, quản lý, bảo vệ thực hiện thông qua các hợp đồng và chi trả trực tiếp đến các hộ, các đơn vị quân đội và lâm trường. Mặc dù vậy, công tác QLBVR và PCCR vẫn còn nhiều nan giải, Phó Giám đốc Lâm trường Sóc Sơn Lê Văn Sơn cho biết, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2010 là năm El Nino, khô hạn nên khả năng xảy ra cháy rừng luôn rình rập. Đặc thù rừng Sóc Sơn trồng các loại cây keo, thông, bạch đàn (lượng lá khô nhiều), thảm thực vật dưới tán rừng nghèo kiệt. Rừng Sóc Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 200 đến 300m, địa hình chia cắt tương đối mạnh, sườn dốc lưu vực ngắn, độ dốc trung bình từ 20 đến 30m, nên vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) rất dễ xảy ra cháy rừng. Đáng nói nữa là rừng nằm xen kẽ với khu dân cư và cánh đồng, các đối tượng ra, vào rừng từ nhiều hướng, rất khó kiểm soát, nên nguy cơ cháy luôn rình rập.

Quản lý còn bất cập

Để làm tốt công tác QLBVR, hằng năm Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đều xây dựng phương án PCCR và triển khai tới các đơn vị. Tuy nhiên, công tác quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chưa sát với thực tế, chậm điều chỉnh và thường xuyên bị phá vỡ. Cụ thể việc xác định ranh giới các khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa rõ ràng đã khiến cho công tác quản lý rừng gặp nhiều lúng túng. Đặc biệt, diện tích rừng giao cho các hộ gia đình và cá nhân chưa gắn với cơ chế quản lý lâm nghiệp, chính sách hưởng lợi, hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật… nên chưa phát huy hiệu quả và chưa quy rõ trách nhiệm. Phó Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Quang Tiến cho biết, công tác giao đất, giao rừng chưa thực sự gắn với quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, nên việc quản lý khó khăn. Hiện nay, công tác QLBVR và đất lâm nghiệp tại Sóc Sơn vẫn chịu sự quản lý của lâm trường và Ban quản lý, đây là sự chồng chéo khó quy trách nhiệm khi xảy ra các sự cố.

Năm 2009, có 202 hộ ở 9 xã, Lâm trường Sóc Sơn và 3 đơn vị quân đội được ký hợp đồng bảo vệ 3.324ha rừng, trong đó có 2.435ha do lâm trường quản lý cũng được giao khoán cho các hộ gia đình là công nhân và nông dân, không có giấy chứng nhận mà chỉ có sổ lâm bạ hoặc hợp đồng nhân sự nên khó quản lý. Theo ông Sơn, chính việc chưa giao đất ổn định lâu dài và chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách đối với hộ nhận khoán trong việc làm nhà bảo vệ rừng nên đã hạn chế trong việc phát hiện PCCR. Một số diện tích keo quá tuổi khai thác dễ gẫy, chết và đổ, cơ quan chức năng chưa có kế hoạch thu hoạch nên dễ bắt lửa, sinh cháy. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, có khoảng 40ha rừng cháy không có khả năng phục hồi, vẫn chưa được trồng lại.

Giải pháp cụ thể tại địa bàn trọng điểm

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã xây dựng phương án cụ thể tại địa bàn trọng điểm, tăng cường kiểm tra, giám sát ở khu vực rừng hay khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép. Lực lượng thường trực làm nhiệm vụ QLBVR, PCCR duy trì 24/24h. Đặc biệt, tổ chức dự báo phát hiện sớm cháy rừng theo ngày và Trạm Quan sát dự báo đã thực hiện nhiệm vụ cảnh báo cháy. Rà soát, thống kê các đối tượng chuyên phát nương, đốt rừng và những khu rừng hay bị khai thác; nhờ vậy vụ cháy rừng xảy ra ngày 18-2 vừa qua tại tiểu khu Đền Sóc do Lâm trường Sóc Sơn quản lý được phát hiện kịp thời. Nguyên nhân cháy rừng được xác định do sự vô ý của khách du lịch khi thắp nhang. Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Anh Xuân cho biết, xã có khoảng hơn 1.000ha rừng nhưng do Lâm trường Sóc Sơn quản lý, còn lại xã chỉ quản lý hơn 100ha rừng cây ăn quả, chè dưới chân đồi thấp không dễ cháy. Tuy nhiên, là địa phương nằm trong địa bàn có rừng nên việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc PCCR vẫn được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, 2 đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn đã chủ động với cơ sở thực hiện phương châm "phòng" là chính nhằm phát hiện kịp thời hiện tượng cháy rừng.

Hoài Thanh