Mặt trái tại các lễ hội: cần sớm dẹp bỏ

Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 13/03/2010

LỜI TÒA SOẠN: Đình chùa vốn là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh; lễ hội là nơi gặp gỡ, hoan hỉ, nhưng hiện tại tất cả đang biến dạng trong xô bồ, nhộn nhạo. Tính tâm linh, văn hóa mất dần trong trào lưu thương mại hóa. Đáng buồn hơn, vấn đề này không mới nhưng vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác kéo theo vô vàn hệ lụy. Đã đến lúc những thứ làm tổn hại thuần phong, mỹ tục cần được tẩy trừ.

Từ số báo hôm nay, Hànộimới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về vấn đề bức xúc này.

Bài 1: Chất văn hóa giảm, lượng thương mại tăng

Tháng Giêng nông nhàn, nơi nơi tổ chức lễ hội (LH) cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân an thái… LH cũng là dịp để con cháu nhớ công lao trời đất, tổ tiên. Không kể những LH nhỏ lẻ mang tính địa phương, thì số lượng LH được tổ chức quy mô lớn và hoành tráng không phải nhỏ. Tuy nhiên, số lượng lớn nhưng về chất lượng thì ở không ít LH còn rất nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân địa phương và du khách trẩy hội. Vì đâu nên nỗi?

Vui buồn... lễ hội

Theo GS Trần Lâm Biền, Cục Di sản Văn hóa, LH truyền thống là sản phẩm tinh thần của người Việt, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là "Thần" - người có thật trong lịch sử dân tộc (hoặc huyền thoại). Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; người có công khai phá vùng đất mới, tạo dựng nghề nghiệp, chống chọi với thiên tai, trừ ác thú, chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc... Tổ chức LH là hình thức giáo dục, chuyển giao thế hệ về trách nhiệm giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Song hiện nay, không ít người tham gia LH để cầu tiền tài, chức tước, danh vọng hoặc coi LH chỉ như một điểm vui chơi, giải trí. Xu thế này ngày càng rộ lên ở giới trẻ. Không ai nói rằng việc cầu tài lộc, địa vị, chức tước là không chính đáng, nhưng xét kỹ thì đó là điều đáng lo, bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại hóa, "đời" hóa LH, GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Đá gà là một trò chơi dân gian mang nhiều ý nghĩa đẹp nhưng thường bị biến tướng thành trò cá cược trong các lễ hội. Ảnh: Bảo Lâm

Sự "đời" hóa diễn ra ở hầu hết các LH, LH càng lớn thì càng "đời" hơn. Ví dụ, tháng Giêng năm nay, người người nô nức đến chùa Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình), nhưng dễ nhận thấy hầu hết họ lo cúng lễ chứ không vãng cảnh, du xuân. Bằng chứng là bãi đỗ xe trước chùa luôn chật kín những chiếc ô tô sang trọng mang theo đồ lễ đắt tiền (!). Hàng trăm tượng La Hán, tượng phật trong chùa, vị nào cũng được chúng sinh "đút lót" tiền mặt. Tương tự, hầu hết du khách trẩy hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đều đặt tiền lên các phiến đá, pho tượng, hang động rồi làm lễ cầu xin trời phật, thánh thần ban phúc, ban ơn. Sau ngày khai hội đền Kiếp Bạc, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến hàng mấy chục voi, ngựa giấy (to như thật) cùng rất nhiều đồ vàng mã xanh đỏ (có người nói phải cỡ vài chục đến hàng trăm triệu đồng) được đưa vào tế lễ trong đền mà chủ nhân của cuộc đó nếu không phải "mũ cao, áo dài" thì cũng là người giàu có!

Chị Hoàng Thị Hiền, chủ một cửa hàng dịch vụ ở chùa Hương cho biết: "Khách thập phương đến chủ yếu mua vàng mã, hoa quả vào làm lễ rồi mua đồ lưu niệm về làm quà tặng chứ rất hiếm người mua sách giới thiệu về di tích chùa Hương". Đây cũng là tình trạng chung tại các điểm di tích diễn ra LH. Nói về thực trạng này, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện Hán Nôm - người có nhiều nghiên cứu về LH dân gian phân tích: Rất ít du khách quan tâm tới điểm bán sách, tờ gấp giới thiệu về lịch sử, văn hóa LH. Không ít ban tổ chức (BTC) LH chỉ chú ý đến công tác an ninh, quản lý hệ thống dịch vụ, khiến cho khách muốn tìm hiểu về "linh hồn" của di tích, LH cũng khó. Tình trạng đó cho thấy, yếu tố văn hóa truyền thống trong LH ngày càng bị cả BTC và người dự hội coi nhẹ.

Đúng như khẳng định của TS Nguyễn Xuân Diện, đến với hội Lim xuân Canh Dần, du khách khó tìm thấy một ấn phẩm nào giới thiệu về di sản quan họ.

Vì lợi, làm... giảm ích

Kiếm lời từ những hoạt động mang tính chất văn hóa, tâm linh diễn ra ở cửa thánh thần nghe có vẻ phi lý nhưng đó là thực tế phổ biến ở các LH đầu xuân. Tại hội Lim xuân Canh Dần, mọi bãi đất trống đều biến thành bãi gửi xe với giá "cắt cổ". Tại bãi xe của HTX Duệ Đông, vé không in giá, thu của khách 20.000 đồng/xe máy, 50.000 đồng/ô tô. 17 gian "vui chơi có thưởng" (thực chất là cờ bạc trá hình) và gần 40 nhóm xóc đĩa ngang nhiên "hoạt động" từ cổng chào vào tới các lán trại quan họ ở đồi Lim. Dưới chân đồi, dịch vụ viễn thông của Vinaphone, Viettel, Mobile..., mỗi hãng chiếm một gian hàng. Công ty TNHH Samsung Electronic Vietnam (Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh) cho nhân viên đứng xếp hàng ngay cổng chính và dúi vào tay du khách tờ rơi tuyển nhân viên.

Chị Nguyễn Thị Thu, ở Văn Khê, Hà Đông dự hội chợ Viềng (Nam Định) đêm mùng 7, rạng 8 tháng Giêng cho biết: Các mặt hàng nông cụ bán rất chạy trong những lễ hội trước đã được thay bằng cây cảnh, đồ giả cổ, đồ chơi của nước ngoài. Một "sản phẩm" đặc trưng là các quầy… đánh bạc, xôm tụ, nhốn nháo, mất trật tự, mà không thấy người có trách nhiệm nhắc nhở hay ngăn chặn. "Có vẻ như việc đánh bạc ở chợ Viềng được cố tình thả nổi" - chị Thu nói.

Hơn thế, LH năm nay còn xuất hiện một số hình thức "kinh doanh" mới như bán lộc Thánh ở cửa động Hương Tích, chùa Hương với giá bán gấp 3 lần giá bán tại các cửa hàng; trò chơi quay vòng ô số ăn ở đền Đức Thánh Cả, Ứng Hòa (Hà Nội) hay khấn thuê tại Bia Bà, phường La Khê, Hà Đông (Hà Nội), di tích Yên Tử (Quảng Ninh)...

Điều đáng nói là những bất cập này xảy ra nhiều năm, ở rất nhiều di tích có LH, nhiều người thấy, nhiều người biết nhưng vẫn cứ tồn tại. Thậm chí, trước mùa LH năm nay, Bộ VH-TT&DL đã giao ban trực tuyến, yêu cầu các địa phương tổ chức và quản lý tốt LH theo nếp sống văn minh nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

Thái Hà - Minh Ngọc