Thế giới trước cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp: Nhiều nguy cơ, ít giải pháp
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 13/03/2010
Sau chuyến thăm Pháp, Đức, Mỹ từ ngày 5 đến 9-3 của Thủ tướng Hy Lạp Gioócgiơ Papanđrêu, nhiều nhà quan sát tin rằng Cộng đồng châu Âu và thế giới sẽ cứu Hy Lạp. Thế nhưng, đến nay, chưa có bất kỳ cuộc thương thuyết cụ thể nào mang lại hy vọng cho "xứ sở thần thoại" thoát khỏi cảnh nợ nần. Từ "Bà đầm thép" châu Âu - Thủ tướng Đức Mécken, người giữ túi tiền lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đến Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama cùng các nhà lãnh đạo khác, chỉ đưa ra những hứa hẹn mơ hồ.
Người dân Hy Lạp xuống đường phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ. |
Hiện tại, đất nước gần 11 triệu dân này đành phải tự vượt lên hoàn cảnh bằng chính sách "thắt lưng buộc bụng đau đớn nhất" mà trước đây chưa từng thực hiện như: cắt giảm chi tiêu khu vực nhà nước, hạn chế trả lương, thưởng và ngừng trợ cấp hưu trí; tăng thuế giá trị gia tăng, tăng thuế nhiên liệu, thuốc lá, rượu và hàng xa xỉ. Thế nhưng, những mục tiêu tài chính của Hy Lạp khó có khả năng thành hiện thực vì Aten còn chưa kịp giải quyết nạn tham nhũng, trốn thuế tràn lan đang làm xói mòn hệ thống kinh tế, chính trị của nước này.
Điều đáng quan tâm là, thiếu giải pháp cứu Hy Lạp đồng nghĩa với việc thế giới đứng trước nguy cơ xuất hiện thêm một "Lehman Brothers" - mồi lửa gây "hỏa hoạn" Phố Wall (Mỹ) năm 2008 - lây lan thành một đợt rối loạn tài chính toàn cầu mới. Nhất là sau thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ Mỹ, các nước phát triển đều đang cõng trên lưng các khoản nợ kếch xù. Đây là nguyên nhân khiến giới đầu tư bắt đầu nghi ngờ độ tin cậy của một số nền kinh tế thuộc khu vực đồng ơrô như: Bồ Đào Nha, Italia, Ailen và Tây Ban Nha. Nợ công tại các nước này, thấp nhất cũng là 59,5%, cao nhất là 115,2% GDP. Thậm chí, Anh cũng đang "xếp hàng" để ghi tên vào danh sách nước khủng hoảng nợ công tiếp theo.
Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, dù cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp chưa tác động lớn đến Mỹ, nhưng nếu không hành động, một cuộc đổ vỡ mới nối từ Aten tới Oasinhtơn chỉ còn là vấn đề thời gian. Có quá nhiều lý do khiến người ta lo ngại khả năng Mỹ sẽ "theo gót Asin" vì "chú Sam" hiện đang là con nợ lớn nhất thế giới (trên 12 nghìn tỷ USD).
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cho hay, từ năm 2007-2010, nợ công của toàn thế giới đã lên tới 15.300 tỷ USD, trong đó 8 phần là những con nợ thuộc nền kinh tế phát triển G7. Đến năm 2014, nợ công của các nền kinh tế nhóm nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 có thể chiếm 118% GDP. Rõ ràng, khủng hoảng nợ không chỉ là bóng ma luôn đe dọa nước nghèo, nó đang đánh thẳng cả vào những nước phát triển, giàu mạnh lâu nay.
Có lẽ chưa bao giờ vấn đề cấp các khoản vay khẩn cấp cho các nước trong khu vực gặp khó khăn về tài chính lại ráo riết như hiện nay. Vì lý do này, EU đang hướng tới thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) - một "phiên bản" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - cho khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong khi "câu lạc bộ "27 thành viên này chẳng thể "trục xuất" bất kỳ nền kinh tế nào bị khủng hoảng cho "nhẹ nợ" thì việc xây dựng định chế tài chính mới này được cho là cần thiết. EU hy vọng sẽ tránh được cuộc khủng hoảng dây chuyền mà tại đó, mỗi vết thương kinh tế sẽ lan rộng và ảnh hưởng tới toàn khối. Tuy nhiên, ý tưởng về EMF đang tạo ra những quan điểm trái chiều ngay trong đội ngũ lãnh đạo của "lục địa già". Lo ngại lớn nhất là EMF có thể sẽ hút rất nhiều vốn, có thể tạo ra những động cơ sai lệch và cuối cùng sẽ lại chất gánh nặng lên những nước có nguồn tài chính công vững hơn; đồng thời khuyến khích chi tiêu bừa bãi. Và cho dù có được thành lập thì EMF cũng chỉ đáp ứng được các mục tiêu dài hạn chứ không thể giải quyết ngay lập tức cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành khắp châu lục.
Gần 2 năm kể từ khi ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 của Mỹ Lehman Brothers sụp đổ, mở màn cho cuộc khủng hoảng tài chính rung chuyển toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã phát đi những tín hiệu lạc quan. Thế nhưng, nợ công đang như một đám mây đen lớn "ám ảnh" các quốc gia vừa bước vào giai đoạn phục hồi rất mong manh hiện nay.