Chỉ một huyện mỗi năm đã xả gần 5 triệu mét khối nước thải chưa xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 12/03/2010
Ông Vương Duy Hướng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, với 40,5% số hộ có nghề phụ sản xuất trong các làng nghề, gần 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổng lượng nước thải tại các cụm, điểm công nghiệp và các làng nghề của huyện là 830.720m3/năm. Trong đó, nước thải từ các làng nghề chiếm phần lớn (trên 4,6 triệu mét khối) tập trung chủ yếu ở các làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, La Phù. Toàn bộ lượng nước thải nói trên chưa qua xử lý và được xả thẳng vào hệ thống kênh tiêu chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy. Nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thải của các làng nghề cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài chục đến vài trăm lần.
Nước ngầm trên địa bàn Hoài Đức cũng bị nhiễm asen nghiêm trọng. Kết quả khảo sát cho thấy gần một nửa số mẫu nước vượt tiêu chuẩn cho phép. Về chất thải sinh hoạt, Hoài Đức có 20 xã, thị trấn, nhưng mới 10 xã tổ chức thu gom được rác thải. Ngoài ra, 5 xã, thị trấn vẫn không có bãi chôn lấp rác hoặc bãi tập kết rác tạm thời do phần lớn diện tích đất bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị. Cả huyện đang có 1 xưởng chế biến phân hữu cơ tại xã Dương Liễu và 1 trạm xử lý nước thải tại xã Minh Khai, nhưng hiện nay các công trình này đều không phát huy hiệu quả. Để đối phó tạm thời với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trước Tết Nguyên đán vừa qua huyện Hoài Đức phải sử dụng biện pháp "bần cùng bất đắc dĩ" là bơm nước thau rửa bớt các kênh tiêu, cống rãnh ở một số làng nghề.
Trả lời các câu hỏi của Đoàn giám sát, lãnh đạo huyện cho biết, các giải pháp đều gặp vướng mắc, khó khăn trong triển khai. Theo ông Vương Duy Hướng, xử lý ô nhiễm của các làng nghề cần khoản đầu tư quá lớn, lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi việc di chuyển các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư cần lập dự án điểm công nghiệp với diện tích 50-70ha/làng nghề, nên suất đầu tư cao, người dân không ủng hộ. Theo cán bộ phụ trách tài nguyên môi trường huyện, việc xử lý vi phạm không nhiều, năm ngoái có 2 trường hợp bị xử lý phạt hành chính. Năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp kiểm tra 22 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhưng đến nay chưa rõ có xử lý đơn vị nào hay không. Theo UBND huyện Hoài Đức, trong tháng 3, việc quy hoạch môi trường của huyện sẽ hoàn thành để trình TP. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn xây dựng bãi tập trung rác.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Phúc nhận xét, tình trạng ô nhiễm trên địa bàn huyện đã đến mức nguy hiểm. Huyện cần tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tập trung phân tích kỹ những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức xử lý ô nhiễm môi trường từng khu vực, báo cáo TP để tìm giải pháp. Trước mắt cần tăng cường tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ môi trường và có biện pháp tình thế xử lý những điểm ô nhiễm bức xúc nhất.