Không còn là báo động

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 12/03/2010

(HNM) - Vẫn biết ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là làng nghề đang là vấn đề rất nóng nhưng hôm qua 11-3, nhiều thành viên Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội vẫn không khỏi sửng sốt trước những con số mà huyện Hoài Đức đưa ra.

Chỉ riêng con số gần 5 triệu mét khối nước thải/năm không qua xử lý xả ra sông Nhuệ, sông Đáy từ các cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề của huyện này đủ cho thấy môi trường, sức khỏe người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào. Có lẽ, bây giờ không còn là lúc báo động, mà phải bắt tay ngay vào những dự án giải quyết ô nhiễm môi trường cụ thể.

Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó có 11 làng được công nhận. Nhưng chỉ ngần đó, đã "sản xuất" ra trên 4,6 triệu mét khối nước thải. Hầu hết lượng nước thải này không được xử lý mà xả thẳng ra các kênh, mương, sông, ao, hồ. Nếu tính cả lượng chất thải khác thì tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề còn đáng sợ hơn. Con số này sẽ cao đến mức nào nếu đó là 1.310 làng có nghề (trong đó có 310 làng đã được công nhận) - con số của toàn TP Hà Nội? Ô nhiễm môi trường làng nghề nông thôn ngoại thành không chỉ làm "chết lúa, úa ngô" mà còn đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân.

Năm 2009, TP Hà Nội đã triển khai khẩn cấp Đề án xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn. Công việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2010 nhằm giảm bớt phần nào ô nhiễm sông, hồ, tình trạng khói, bụi, ứ đọng rác thải... nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Các địa phương cũng lẻ tẻ triển khai một số biện pháp thu gom, xử lý rác, tuyên truyền, vận động... Trong khi đó, việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường vẫn gặp vô vàn khó khăn, nếu không muốn nói là "bất lực" trước các vi phạm ô nhiễm môi trường.

Quả đúng như một vị trong đoàn giám sát đã phải thốt lên: "Cứ thế này, càng sản xuất chúng ta sẽ càng nguy hiểm". Với giá trị sản xuất năm 2009 đạt 5.840 tỷ đồng, huyện Hoài Đức là ví dụ điển hình về khả năng giải bài toán kinh tế một cách xuất sắc, nhưng lại "bó tay" trước bài toán xử lý ô nhiễm môi trường. Ít ai có thể ngờ rằng, trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Hoài Đức đã phải chi tiền ngân sách cho bơm nước thau rửa bớt chất ô nhiễm đang ứ đọng ở một số làng nghề, cốt để cho dân có vài ngày ăn cỗ ngon lành hơn... Rõ ràng chúng ta đang đối phó với ô nhiễm môi trường một cách hết sức yếu ớt, thụ động.

Lâu nay, chúng ta hay đặt ra yêu cầu thu hút công nghiệp sạch, nhưng lại chưa thực sự đề cao và xây dựng cơ chế, điều kiện để thu hút đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường - lĩnh vực mà ở nhiều nước trên thế giới được coi là "màu mỡ", nhưng đang "ngủ đông" ở nước ta. Có thể nói, đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường (bao gồm cả thời gian, nhân lực, vật lực) vẫn còn khoảng cách "một trời, một vực" so với thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Không quan tâm đúng mức, không đầu tư tương xứng không thể cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Có người đã đúc rút ra rằng, khi còn trẻ chúng ta "bán" sức khỏe để kiếm tiền, đến khi về già có rất nhiều tiền nhưng lại không "mua" được sức khỏe. Rõ ràng, với cách ứng xử với môi trường như hiện nay, nếu không sớm có biện pháp hiệu quả, có thể chúng ta sẽ phải thấm thía câu chuyện này.

Hà Vũ