Kiểm định chất lượng dạy nghề: Thí điểm đến bao giờ?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 11/03/2010
Theo Tổng cục Dạy nghề thì hiện nay việc tham gia kiểm định hoàn toàn do các cơ sở dạy nghề tự nguyện. Và do chưa có chính sách khuyến khích các trường nghề đạt chuẩn nên nhiều trường nghề chưa tham gia kiểm định.
Kiểm định vẫn đang là thí điểm
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng được bộ tiêu chí kiểm định chất lượng các trường cao đẳng, trung cấp nghề gồm 9 tiêu chí, 50 tiêu chuẩn và 150 chỉ số. Hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các trung tâm dạy nghề đang được triển khai thử nghiệm tại một số nơi. Tất cả những thông số như vậy nhằm thiết lập một hệ thống chuẩn của một trường đào tạo nghề có chất lượng. Cùng với việc kiểm định chất lượng của các trường, các hội nghề nghiệp cũng đã xây dựng được 85 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có 10 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành. Những bộ tiêu chuẩn này nhằm kiểm định các kỹ năng cần phải đạt được theo trình độ của người lao động. Có thể coi đây là một "công cụ" nhằm đánh giá chất lượng các trường dạy nghề. Tuy nhiên, hiện nay việc này cũng mới đang dừng ở giai đoạn biên soạn đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp nghề Hà Nội hướng dẫn học viên thực hành tại xưởng máy điện xung. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Năm 2008, kiểm định chất lượng các trường dạy nghề được thực hiện với 15 trường cao đẳng, trung cấp nghề. Kết quả cho thấy chỉ có 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2009, kiểm định thêm 20 trường, bao gồm cả trường công lập và ngoài công lập. Năm 2010, sẽ thí điểm kiểm định thêm 30 trường và sau năm 2011, việc kiểm định sẽ được rút kinh nghiệm và triển khai đại trà. Như vậy, mỗi năm chỉ có rất ít trường nghề được kiểm định, trong khi đó tổng số các trường nghề và trung tâm dạy nghề là hơn 1.200. Và để đợi kiểm định hết với tốc độ như hiện nay phải kéo dài vài chục năm!
Nhập nhèm chất lượng đào tạo
Việc kiểm định các trường dạy nghề cho đến thời điểm này mới chỉ dừng ở cơ chế khuyến khích các trường tham gia chứ chưa có các chính sách cụ thể nhằm buộc các trường phải đạt chuẩn mới đào tạo. Chính vì thế các trường đều chưa sẵn sàng tham gia. Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), đáng lẽ các trường sau khi tham gia kiểm định và đã đạt chuẩn phải được hưởng một số quy chế, ví dụ như một số ưu đãi khi nhà nước đặt hàng đào tạo lao động hay chính sách cho học viên vay vốn học nghề. Nhưng hiện tại đó chỉ là kỳ vọng, chưa có chính sách cụ thể, cũng chưa trường đạt chuẩn nào được hưởng ưu đãi. Việc kiểm định các trường đào tạo nghề, bao gồm cả công lập và dân lập sẽ tạo nên một "sân chơi" bình đẳng hơn giữa các trường dạy nghề. Nhưng nhìn ở góc rộng hơn, nó sẽ đưa ra được chuẩn đào tạo và chuẩn đầu ra sau đào tạo. Đây là then chốt quyết định chất lượng lao động ở nước ta. Thực tế, tại nhiều nước, việc kiểm định để đạt chuẩn là bắt buộc, bởi đây là yêu cầu từ chính những học viên bỏ tiền ra mua dịch vụ đào tạo và họ có quyền biết chất lượng đào tạo ấy như thế nào qua kết quả kiểm định. Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, nếu theo đúng quy trình kiểm định của các nước, sau khi kiểm định sẽ tiến hành xếp hạng các trường nghề. Việt Nam chưa có điều kiện kiểm định hết nên chưa thể xếp hạng. Trong bối cảnh trường nghề vẫn còn trầy trật tuyển sinh thì việc công bố xếp hạng trường nghề sẽ khiến nhiều trường nghề bị "báo tử", không tuyển được học sinh.
Cũng theo ông Dương Đức Lân, chiến lược dạy nghề 2011-2020 đang trình Chính phủ phê duyệt tập trung vào vấn đề then chốt, trọng tâm là chất lượng dạy nghề. Trong giai đoạn này sẽ xây dựng 1 trường đạt chất lượng khu vực và quốc tế. Các trường nghề đạt kết quả qua kiểm định sẽ có cơ hội được tập trung đầu tư. Tuy nhiên, hằng năm các trường này vẫn phải tổ chức tự kiểm định và báo cáo về Tổng cục Dạy nghề, nhằm tránh tình trạng đã đạt kiểm định nhưng sau một thời gian không còn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn kiểm định.
Chất lượng dạy nghề luôn là vấn đề then chốt, là trọng tâm. Vì vậy, kiểm định chất lượng dạy nghề không thể chỉ dừng lại ở thí điểm. Vấn đề này rất cần sự quan tâm sâu sát của các cơ quan trực tiếp liên quan, cần sự ráo riết hơn nữa để việc kiểm định trở thành quy định bắt buộc, để có thể xây dựng được những trường dạy nghề xứng tầm quốc tế.
9 trường được công nhận đạt kết quả kiểm định năm 2008: CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh; CĐ nghề Cơ điện Hà Nội; CĐ nghề LILAMA 2; CĐ nghề số 8 Bộ Quốc phòng; CĐ nghề Điện; CĐ nghề Mỏ Hồng Cẩm; CĐ nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam; CĐ nghề TP Hồ Chí Minh; Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương - TP Hồ Chí Minh. 13 trường nghề đạt kết quả kiểm định chất lượng năm 2009: CĐ nghề Đường sắt; CĐ Công nghiệp Hà Nội; CĐ nghề Cơ giới Ninh Bình; CĐ nghề Cơ điện Phú Thọ; CĐ nghề số 3 Bộ Quốc phòng; CĐ nghề Duyên Hải; CĐ nghề Bách nghệ Hải Phòng; CĐ nghề Kinh tế kỹ thuật Vinatex; CĐ nghề Công nghiệp Việt Bắc; CĐ nghề Đà Lạt; CĐ nghề Giao thông - Vận tải Trung ương III cùng hai trường trung cấp nghề số 1 Bộ Quốc phòng và Nhân Đạo TP Hồ Chí Minh. |