“Anh cả đỏ” khỏe, Chính phủ mới khỏe
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 11/03/2010
(HNM) - * Năm 2009, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng góp tương đương 42% GDP
Năm 2010 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010).
Thực hiện tốt kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm; đồng thời tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sắp tới, sáng 10-3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2010.
Khai thác dầu mỏ tại giàn khoan số 1, mỏ Bạch Hổ. Ảnh: TTXVN |
Công cụ chủ lực ngăn chặn đà suy giảm
Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, vốn và lao động dẫn đến tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Song cùng với sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân, sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, đẩy lùi được lạm phát cao, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước - được ví như "anh cả đỏ" đang giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội…
Nhằm đóng góp thiết thực để Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ than trong nước, không tăng giá bán than cho các doanh nghiệp sản xuất điện, giấy, xi măng và phân bón; Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã tích cực đẩy mạnh sản xuất, khai thác được 16,3 triệu tấn dầu thô, 8,3 tỷ mét khối khí, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 6,2 tỷ USD; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, còn tích cực tiết kiệm chi phí, quyết liệt giảm tổn thất điện năng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm thị trường để bảo đảm công ăn việc làm cho 119 nghìn lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam đã thực hiện các biện pháp để thu mua hết lúa hàng hóa cho nông dân với giá ổn định; các tổng công ty Vận tải, Hàng không, Đường sắt không tăng giá cước vận tải hành khách để bảo đảm việc đi lại của nhân dân; các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tạo sự đồng thuận để hoàn thành kế hoạch
Năm 2009 vốn nhà nước của 19 tập đoàn và Tổng Công ty 91 tăng 37,4% so với kế hoạch và tăng 8,5% so với năm trước; tổng doanh thu vượt 42,4% so với kế hoạch và tăng 2,9% so với năm trước, trong đó, doanh thu của các tập đoàn và Tổng Công ty 91 vượt 34,7% so với kế hoạch và tăng 2,7% so với năm trước; tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đạt 15,45%, trong đó, tỷ suất này của các tập đoàn và Tổng Công ty 91 đạt 18,19%; nộp ngân sách nhà nước vượt 40,5%, trong đó, các tập đoàn và tổng công ty nộp ngân sách vượt 48,6% kế hoạch năm. |
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải đều đánh giá cao sự nỗ lực của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trong việc chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Đảng, Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm qua trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Những người đứng đầu Chính phủ đều thống nhất cho rằng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được ví như những "anh cả đỏ" của nền kinh tế đất nước, “"anh cả đỏ" có khỏe thì Chính phủ mới khỏe". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự điều hành đúng đắn của Trung ương Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng 5,32%, trong đó không có đơn vị nào trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị phá sản và đóng góp tương đương 42% GDP của đất nước; gắn với phát triển kinh tế, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã làm tốt công tác an sinh xã hội, cùng Chính phủ hỗ trợ 62 huyện nghèo, cung cấp điện cho hộ nghèo, bảo đảm thu nhập cho người trồng lúa, cao su, cà phê…
Công nhân Công ty Điện lực Hà Nội bảo dưỡng Trạm biến áp 110 kV Thạch Thất. Ảnh: TTTXVN |
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ rõ những yếu kém và hạn chế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm sức cạnh tranh còn thấp, đầu tư còn dàn trải, ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, vẫn còn để xảy ra tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật...
Về nhiệm vụ năm 2010, Thủ tướng nêu rõ, để đạt được tăng trưởng 6,5% phụ thuộc rất nhiều vào đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước trong ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và kiềm chế không cho lạm phát quay trở lại. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp rà soát lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh với quyết tâm cao; đồng thời triển khai các dự án đúng tiến độ và hiệu quả, bảo đảm sản xuất, tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, phấn đấu đạt cho được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đã đề ra, tăng trưởng bình quân của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 10%.
Để kiềm chế lạm phát, Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tính toán cụ thể nhằm bảo đảm từ sản xuất đến lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng đầu cơ tăng giá và công khai minh bạch để mọi người dân biết. Chính sách an sinh xã hội cần tiếp tục được phát huy với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động và hỗ trợ 62 huyện nghèo.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước lắng nghe các doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả các chính sách tiền tệ (lãi suất, tỷ giá) và các ngân hàng thương mại quốc doanh là nòng cốt giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tính toán thu hút các nguồn vốn ngoài ngân hàng; Bộ Công thương rà soát từng mặt hàng xuất khẩu để có chính sách điều tiết phù hợp với các cam kết quốc tế và thực hiện các chính sách khuyến khích xuất khẩu... Các bộ, ngành chức năng cũng tiếp tục rà soát quyền tự chủ cho doanh nghiệp, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận hoàn thành kế hoạch năm 2010.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng: Đầu tư cho viễn thông đang bị chồng chéo Năm 2010, nhu cầu sử dụng điện dự kiến tăng trưởng ở mức cao nhưng do đã xả 3 tỷ mét khối nước để phục vụ sản xuất vụ đông - xuân, mức nước các hồ thủy điện phía Bắc đã xuống rất thấp, lượng nước về hồ tiếp tục ở mức thấp nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Theo dự báo khí tượng thủy văn trung ương, khô hạn tiếp tục diễn ra trên diện rộng trên toàn quốc, hiện các hồ thủy điện trên sông Sê Rê Pốc đang bị cạn dần, do vậy, các công trình thủy điện được xây dựng trên dòng sông này chỉ phát điện đạt từ 50 đến trên 60% công suất thiết kế. Chúng ta nên nghiên cứu làm đập cao su giữ nước thì 1 năm chi phí xã hội sẽ tiết kiệm được nhiều nếu tính cho cả đời dự án thủy điện. Hiện nay đầu tư cho viễn thông đang bị chồng chéo dẫn đến lãng phí xã hội, vì riêng kế hoạch 3G là 3 nhà mạng, giai đoạn 1 đã phải chi một khoản khá lớn là 4-6 tỷ USD. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Đậu Văn Hùng: Hạn chế nhập khẩu thép cán nguội, thép cuộn Cần kiềm chế nhập siêu, dưới 20% so với giá trị xuất khẩu. Năm 2009, có một số cơ cấu nhập khẩu dư thừa như thép cán nguội 700 ngàn tấn, thép cuộn gần 500 ngàn tấn, đây là những mặt hàng trong nước sản xuất rất tốt, do vậy đề nghị hạn chế nhập khẩu hai mặt hàng này, như vậy sẽ giảm được gần 700 triệu USD. Về chính sách tiền tệ, không dành ngoại tệ để nhập khẩu thép phế, đề nghị ưu tiêu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu thượng nguồn để sản xuất ra bán sản phẩm. Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Trần Xuân Hòa: Giảm xuất khẩu than để đáp ứng nhu cầu trong nước Để duy trì sản xuất điện, trong những năm tới, Việt Nam cần nhập khẩu rất nhiều than. Do vậy, ngay từ bây giờ cần giảm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước đang ngày càng tăng cao, đồng thời, cho tiến hành nhập khẩu than, nếu để 3 năm sau mới triển khai sẽ khó khăn và trở tay không kịp. Để chuẩn bị cho việc nhập khẩu than, việc xây dựng cảng cũng phải làm ngay cho loại tàu trên 150 ngàn tấn. Để duy trì sản xuất điện sẽ phải chi một khoản ngoại tệ rất lớn… những vấn đề này cần phải được tính toán cân nhắc để không bị động. |