Tăng cường cán bộ, đảng viên về cơ sở
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:02, 11/03/2010
Chỉ gần 50 vạn dân nhưng Điện Biên phải đối mặt với tình trạng di cư tự do, tội phạm ma túy hoành hành... tình hình an ninh trật tự phức tạp. Làm sao để ngăn nạn di cư tự do, triệt xóa các ổ nhóm tội phạm, kiềm chế tệ nạn xã hội? Cùng với việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, hàng chục cán bộ, chiến sỹ trẻ đã tình nguyện xa gia đình, vợ con để về các bản làng vùng sâu, xa, vùng khó khăn, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân. Ở ngôi nhà của dân, các cán bộ, chiến sỹ đã học tiếng nói của đồng bào (Điện Biên có 21 dân tộc anh em sinh sống), cùng làm nương rẫy, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, rồi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa giúp dân làm nương rẫy, các chiến sỹ công an vừa nói cho dân nghe, dân hiểu rõ những thủ đoạn của kẻ xấu lôi kéo nhân dân rời xa quê hương nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật, không buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và hơn hết là không để kẻ xấu lợi dụng. Chính sách "tăng cường cán bộ về cơ sở" đã giúp Công an tỉnh Điện Biên nắm chắc cơ sở, từ đó có biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội; đồng thời giúp dân biết cách làm ăn, không để kẻ xấu lợi dụng, yên tâm định cư trên quê hương, cùng góp sức giữ vững an ninh vùng biên.
Cũng là chủ trương "tăng cường cán bộ về cơ sở", năm vừa qua, mấy chục cán bộ chuyên môn các bệnh viện tuyến trên của thành phố Hà Nội đã được tăng cường cho tuyến dưới. Trong đó, các bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản, Đống Đa đưa cán bộ hỗ trợ 2 tỉnh Lai Châu và Bắc Kạn. Tại thành phố, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành cũng cử cán bộ luân phiên hỗ trợ các bệnh viện hạng hai, còn các bệnh viện hạng hai cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến huyện. Chủ trương này đã đem lại ba cái lợi: Cán bộ y tế có dịp tôi luyện, phát huy khả năng chuyên môn giúp đỡ cơ sở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Qua hai ví dụ có thể thấy, "tăng cường cán bộ về cơ sở" là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị sẽ có đội ngũ cán bộ được tôi luyện qua thực tế, hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân, nắm bắt thế mạnh, thế yếu, giúp địa phương khắc phục khó khăn, vươn lên. Đây cũng là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để bố trí, sử dụng cán bộ theo quy hoạch một cách hiệu quả. Người dân mong đợi ngày càng có nhiều cán bộ về cơ sở để giúp cơ sở vươn lên.