Thế trận hiểm, tạo đột biến lớn

Chính trị - Ngày đăng : 07:20, 10/03/2010

(HNM) - Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, hãng AP (Mỹ) đưa tin: "Thất bại đầu tiên ở Tây Nguyên làm cho Sư đoàn 23 bị xóa sổ, chỉ còn 37 người sống sót trong số 13.000 lính của sư đoàn này. Một liên đoàn biệt động quân gồm 1.600 người cũng chỉ còn lại 35 người sống sót".

Buôn Ma Thuột là cú sốc lớn, một đòn chí tử vào chính quyền Sài Gòn. Buôn Ma Thuột cũng gây bất ngờ lớn với giới truyền thông quốc tế khi đó, một số tờ báo còn chủ quan đánh giá: Kết cục ở Buôn Ma Thuột cũng làm bất ngờ chính quyền Hà Nội. Thế nhưng trên thực tế chúng ta hoàn toàn chủ động, chọn đúng thời cơ, đánh trúng điểm yếu của địch với sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của cha ông ta trước đây. Điều này thể hiện rõ qua các quyết định của Bộ Chính trị và đánh giá của các tướng lĩnh.

Tiến công mạnh, tạo đột biến
Trải qua bao nhiêu năm đấu tranh cam go, gian khổ, cách mạng miền Nam nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung mới tạo được bước chuyển biến quan trọng. Chưa bao giờ hai mặt đấu tranh quân sự, chính trị có điều kiện thuận lợi, có khả năng kết lại thành cao trào tiến công thuận lợi như hiện nay... Tình hình hiện nay khác với trước rất nhiều. Mỹ đã thua liên tiếp và phải rút quân về; ngụy quân, ngụy quyền không còn chỗ dựa như trước. Quân đội ta sung sức, có mặt khắp miền Nam. Quần chúng nhân dân trong vùng địch đòi hỏi vùng dậy và có khí thế mới.

Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột.

Năm 1974, trong khi thế và lực của chúng ta lớn lên nhanh thì địch càng xuống dốc cả về quân sự, chính trị, kinh tế. Ta tiến công mạnh thì nhất định sẽ tạo ra những đột biến mới trong quá trình xuống dốc đó của địch... Căn cứ vào sự đánh giá trong cả hai lần họp, chúng ta thấy chính xác hơn thời cơ lịch sử và khả năng thực tế để quyết chiến những trận cuối cùng, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn... Chúng ta nhất trí phải gấp rút chuẩn bị mọi mặt để kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cứu nước trong năm 1975 hoặc năm 1976. Quyết tâm này của Bộ Chính trị phải được truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân. Phải tiến hành công tác chính trị, tư tưởng sâu rộng, cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến thắng.

Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng phát huy truyền thống chiến đấu anh hùng, sức sáng tạo vô tận của quân đội và nhân dân ta, chúng ta nhất định sẽ vượt qua tất cả. Chúng ta nhất định đánh thắng!

(Kết luận Hội nghị Bộ Chính trị bàn về tình hình và nhiệm vụ cuộc chống Mỹ, cứu nước - Ngày 7-1-1975)

Chiến dịch Tây Nguyên - đòn đánh trúng huyệt
Tây Nguyên là một vùng cao nguyên rộng lớn, một chiến trường rừng núi nối liền với vùng ven biển miền Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược quan trọng và địa hình hiểm trở. Các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã giành được những thắng lợi liên tiếp, biến vùng cao nguyên này thành một chiến trường được chuẩn bị tốt, có địa bàn rất thuận lợi để các binh đoàn cơ động chiến lược của ta triển khai và tấn công quân địch trên một thế trận rất mạnh. Khi ta chuẩn bị đánh Tây Nguyên thì địch ở đây có 1 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân (10 trung đoàn) và 4 thiết đoàn xe tăng, xe bọc thép. Chúng bố trí theo thế phòng ngự hoàn chỉnh.

Nhưng do phán đoán sai ý định tác chiến của ta, chúng cho rằng năm 1975, ta chưa đủ sức đánh thị xã lớn và thành phố, và dù có đánh cũng không giữ được khi chúng phản kích chiếm lại. Vì vậy, Buôn Ma Thuột là một vị trí xung yếu, nhưng trước khi ta đánh, địch bố trí lực lượng chẳng những không mạnh mà còn nhiều sơ hở, càng vào bên trong thị xã, lực lượng của chúng càng mỏng. Đối với ta, giải phóng được Buôn Ma Thuột thì đập vỡ được hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, tạo ra một thế trận hiểm và cơ động có thể làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường. Thế trận ta tiến công tiêu diệt Buôn Ma Thuột đã bày ra, không gì phá vỡ nổi. Trận then chốt mở đầu chiến dịch Tây Nguyên - một đòn đánh trúng huyệt làm rung chuyển quân địch. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên cùng với thắng lợi của toàn chiến trường có thể tạo nên một chuyển biến quan trọng đẩy địch vào thế có đột biến lớn.

(Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)

Ta đã đánh bằng nghệ thuật quân sự của cha ông
Có thể nói, chính - kỳ là hướng đánh chính, mũi đánh chính và hướng đánh bất ngờ, mũi đánh bất ngờ làm cho địch mắc sai lầm để nhanh chóng giành thắng lợi. Khi đánh với một quân địch có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, bao giờ cũng phải đánh lừa, đánh bất ngờ. Phải nghi binh địch, tạo ra bất ngờ làm cho địch mắc sai lầm. Vu hồi thọc sâu làm cho địch bị thua nhanh.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285), Trần Hưng Đạo đã giải phóng thành Thăng Long một cách nhanh chóng. Thế trận được diễn ra như sau: Trần Quang Khải đã dùng một bộ phận đánh vây hãm Chương Dương để nhử Thoát Hoan ở thành Thăng Long đem quân ra cứu Chương Dương. Trên đường từ Thăng Long đến cứu Chương Dương, Thoát Hoan đã bị Trần Quang Khải đánh bại. Trong khi đó, các tướng của ta là Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền lợi dụng sơ hở của thành Thăng Long, đánh chiếm thành một cách bất ngờ, có tính chất như mũi kỳ binh. Khi Thoát Hoan bị đánh thua, địch rút chạy vào thành Thăng Long nhưng thành đã bị quân ta chiếm, nên hắn buộc phải tháo chạy qua sông Hồng.

Sau này năm 1798 Quang Trung cũng đại thắng quân Thanh bằng cách khi chính binh đánh ở hướng Hạ Hồi, Ngọc Hồi, thì Đặng Tiến Đông (Đô đốc Long) đánh vu hồi vào hướng Đống Đa, bất ngờ đánh thẳng vào Tây Long Cung, đánh bại Tôn Sỹ Nghị. Đây là mũi kỳ binh góp phần quan trọng vào chiến thắng.

Còn bây giờ là Buôn Ma Thuột, nghệ thuật "chính - kỳ" cũng được áp dụng nhưng với một hoàn cảnh khác và có những nét khác.

(Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên)