Cú điểm huyệt quyết định

Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 10/03/2010

LỜI TÒA SOẠN - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là dấu ấn chói lọi trong trang sử vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, sáng tạo, tiến công thần tốc "một ngày bằng hai mươi năm", chúng ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên phát triển rực rỡ của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2010), để giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, hiểu rõ những gian khổ, hy sinh to lớn nhưng vô cùng hào hùng của những ngày cả nước cùng ra trận, từ số báo hôm nay 10-3, Báo Hànộimới khởi đăng loạt bài: "35 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 - Theo dấu chân đoàn quân thần tốc". Các PV sẽ theo dấu đoàn quân qua các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh, thông qua các nhân chứng, địa danh lịch sử để khắc họa rõ hơn sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo, sắc bén, kiên quyết của Đảng; sự chiến đấu anh dũng, nỗ lực phi thường của quân và dân ta 35 năm trước, cũng như sự đổi thay ở những vùng đất là chiến trường năm xưa.

Phần 1: Chiến dịch Tây Nguyên

Bài mở đầu: Cú điểm huyệt quyết định

Những ngày này, cả TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắc Lắc nói chung như khoác trên mình tấm áo mới, rực rỡ sắc màu. Trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân đều sáng lên niềm phấn khởi, tự hào về quê hương sau 35 năm giải phóng. Ở bất cứ đâu cũng có thể gặp những anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa, nay là những cựu chiến binh tóc đã điểm bạc, đang tạm dẹp sang một bên những khó khăn, vất vả trong cuộc sống đời thường để cùng ôn lại những ngày tháng hào hùng của một thời và nhớ về những đồng đội đã ngã xuống…

Chọn đúng "Tử huyệt"

Nhà báo, nhà sử học người Mỹ Gabrien Côncô, tác giả cuốn sách "Giải phẫu một cuộc chiến tranh" do Nhà xuất bản Pantheon Books New York, ấn hành năm 1985 có viết: Về mặt vật chất, quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), đầu năm 1975 có một ưu thế to lớn về số lượng trong tất cả các lĩnh vực so với quân Cách mạng... Những con số cho thấy rằng quân đội VNCH là một quân đội đáng sợ, chỉ cần nó dám chiến đấu thôi. Nó có 1.400 cỗ súng lớn so với 400, 1.200 xe tăng và xe bọc thép chở quân so với 600 của quân Cách mạng... không quân có 1.400 máy bay, có khoảng 185.000 quân chiến tranh, 107.000 quân yểm trợ. Riêng trên địa bàn Tây Nguyên, trong năm 1973, quân đội VNCH đã tăng thêm 20.000 quân, đưa tổng số quân lên 81.000, trong đó quân chủ lực có 46.000, 12 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn thiết giáp, Sư đoàn 6 không quân với 190 máy bay...

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột...

Trong chỗ mạnh, vẫn có điểm yếu và chúng ta đã nhìn được ra "tử huyệt" của địch để giáng một đòn chí tử. "Tử huyệt" của địch chính là ở thị xã Buôn Ma Thuột. Nay nhìn lại và đánh giá tổng quát, chúng ta càng thấy rõ sự sắc sảo về chỉ đạo chiến lược quân sự của Đảng và nghệ thuật tác chiến chiến dịch của quân đội ta trong chiến dịch Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột là đòn táo bạo, bất ngờ và rất hiểm, ta đã chọn đúng, đánh nhanh, đánh mạnh, khiến địch choáng váng không kịp trở tay. Từ sai lầm chiến thuật, chiến dịch, bị đánh đau, thua nặng, địch đã đi đến sai lầm chiến lược. Chính quyền Sài Gòn hoảng hốt quyết định rút chạy khỏi Tây Nguyên, mong đưa quân về đồng bằng hòng co cụm để giữ lực lượng, giữ đất duyên hải miền Trung. Nhưng cũng từ đây, quân địch bắt đầu bước vào chuỗi sai lầm dẫn đến sự sụp đổ không thể cứu vãn. Còn ta đã điều địch theo ý ta, biết tạo và nắm thời cơ, thúc đẩy nhanh quá trình thất bại của địch, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh.

Kết quả của một trận đánh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo cách nhìn của các chuyên gia quân sự nổi tiếng quốc tế, việc quân đội Sài Gòn bại trận ở Buôn Ma Thuột không phải là vấn đề vật chất mà là vấn đề tinh thần và lãnh đạo, là vấn đề thế trận lòng dân. Nhân dân các dân tộc Đắc Lắc có tinh thần cảnh giác, bảo vệ bí mật cho cách mạng. Trong lúc bộ đội cưa cây, ủi đường, cho xe tăng, pháo vào thị xã, căng dây điện trong rừng để liên lạc... nhân dân đi lại làm ăn, đã gặp, đã thấy nhưng vẫn im lặng, bí mật tuyệt đối cho các hoạt động. Một nhà báo phương Tây đã viết: "Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn mấy chục năm nhưng không có kết quả gì cả. Đối phương đã đưa lực lượng lớn, cả pháo binh, xe tăng vào Buôn Ma Thuột mà người Thượng không báo gì cho nhà cầm quyền, điều đó chứng tỏ ít nhất là họ đồng tình với phía cách mạng".

Thành công lớn bắt đầu từ những nỗ lực nhỏ

Lòng vòng cả một buổi sang Tỉnh đội, sang Hội CCB và nhờ vả các đồng nghiệp Báo Đắc Lắc, nhóm phóng viên Hànộimới chúng tôi mới có được địa chỉ của CCB Hoàng Đình Hỷ ở thôn Tân Lộc, xã Cư Huê, huyện Ea Kar nằm cách thành phố gần 60km. Anh Hỷ kể: "Đầu tháng 2-1975, khi đơn vị đang tập trung tại khu vực rừng Bản Đôn thì nhận nhiệm vụ áp sát thị xã Buôn Ma Thuột. Chúng tôi biết sắp đánh lớn, nhưng cụ thể thế nào, quy mô ra sao thì không rõ…". Lúc này, qua tin tức tình báo, qua phân tích các hướng đánh của ta, Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân khu II của quân đội Sài Gòn vẫn cho rằng mục tiêu chính của Quân giải phóng là Plâycu. Chỉ đến khi toàn bộ Sư đoàn 23 bị "xóa sổ", hệ thống phòng thủ tại Buôn Ma Thuột tan rã chúng mới biết đã rơi vào bẫy nghi binh.

... Và làm chủ sở chỉ huy Sư đoàn 23 của chính quyền Sài Gòn ở TX Buôn Ma Thuột.

Trở lại câu chuyện của anh Hoàng Đình Hỷ. Sau khi nhận lệnh áp sát thị xã Buôn Ma Thuột, đặc công chủ lực (Tiểu đoàn 27) được xé lẻ về các đơn vị thuộc Trung đoàn 198 (đặc công Tây Nguyên). Mỗi người được phát 2kg lương khô, 1kg gạo (chỉ được nấu cháo ăn lúc ốm đau hoặc khi lên cơn sốt rét), 25kg thủ pháo, một cơ số cá nhân đạn AK và "cõng thêm" đạn B40, cối, ĐKZ, tức là trung bình mỗi người phải "gùi" 50-60kg vũ khí chiến đấu. Khi "ém quân", anh em phải lặng lẽ đào củ mài, củ mì ăn chờ lệnh, địch nống ra ngoài thám thính, đặc công ta phải cắn răng chịu đựng để giữ bí mật. Một bữa, đơn vị của anh vô tình gặp một nhóm 25 người dân tộc Ê đê vào rừng lấy gỗ, kiếm củi, thế là buộc phải thuyết phục họ ở lại sống cùng đặc công để vừa bảo đảm an toàn cho dân, vừa giữ bí mật, không để địch phát hiện sự có mặt của bộ đội chủ lực. Tính đến lúc được lệnh nổ súng đánh thị xã Buôn Ma Thuột (2h sáng ngày 10-3-1975), gần 1 tháng đơn vị của anh Hỷ phải nhường khẩu phần lương thực được chia của từng chiến sĩ cho đồng bào, còn anh em thì tìm củ sắn, củ mài thay cơm, qua bữa. Có thể nói, trận Buôn Mê Thuột toàn thắng đã bắt đầu từ những nỗ lực nhỏ của mỗi chiến sỹ, của từng đơn vị... như thế.

Sau này, khi nổ súng trên toàn mặt trận, địch cũng không thể ngờ, các sư đoàn 10, 320, 316 của ta cùng xe tăng, pháo binh đều đã áp sát để tham chiến. 14h30 ngày 10-3-1975, Trưởng phòng Quân báo Quân đoàn II của ngụy, Đại tá Trịnh Tiếu vẫn còn báo cáo cấp trên là mới phát hiện Sư đoàn 316 Quân Giải phóng có dấu hiệu từ Lào di chuyển về. Ngay cả những cánh rừng cao su, rừng khộp đều đã được cưa 2/3 thân cây, sẵn sàng hạ xuống mở đường cho xe tăng xuất kích…

Bữa cơm bên rẫy cà phê

Căn nhà một tầng, mái bằng của CCB Hoàng Đình Hỷ chừng hơn 20m2, trước cửa nhà là hơn 3 sào cà phê. Mùa này đã thu hoạch xong, cà phê bắt đầu ra hoa, mùi hương ngậy ngậy, ong bướm dập dìu rất vui mắt. Lân la chuyện thôn Tân Lập, anh Hỷ kể, ở đây có 146 hộ dân, phần nhiều là người phía Bắc chuyển vào xây dựng vùng kinh tế mới, năm trước giảm 5 hộ nên cả thôn chỉ còn 8 hộ nghèo, đa số đều là người già độc thân, không nơi nương tựa. Để được như vậy, dù là CCB, đảng viên hay nông dân thuần chất đều phải lao động cật lực. Giờ người đông, đất không đẻ thêm, không chịu khó thì chỉ có đói.

Tượng đài Chiến thắng 10-3-1975 tại ngã sáu TP Buôn Ma Thuột ngày nay. Ảnh: Hoàng Anh

Chuyện mới đôi hồi vợ anh Hỷ đã chuẩn bị xong bữa cơm trưa. Tưởng rằng chúng tôi là đồng đội của anh, chị nói, cây nhà lá vườn cả, mấy anh em ngồi uống chút xíu với nhau mừng kỷ niệm Ngày chiến thắng. Trở lại câu chuyện dở dang, anh Hỷ tư lự, bà con thôn mình khổ cũng là do ngày trước đông con quá. Như anh Hỷ cũng có 4 cháu, giờ 3 cô con gái đã xây dựng gia đình, anh lên chức ông ngoại mấy năm nay, nhưng đứa con trai út mới học xong đại học, còn đang phải lo việc làm cho nó. Có lẽ rút kinh nghiệm từ chuyện của mình nên dù là làm trưởng thôn hay làm bí thư chi bộ, anh Hỷ đều đến từng nhà vận động mọi người thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Anh khoe, từ sáng kiến của anh, nay ở thôn Tân Lập đã 57 cặp tham gia câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Khống chế được chuyện dân số, chắc chắn sẽ vượt qua cái đói, cái nghèo. Không chỉ có vậy, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, rồi Hội Phụ nữ, CCB còn thành lập quỹ. Tuy mỗi quỹ chỉ được chừng một, hai chục triệu đồng nhưng cũng giúp nhiều hộ dân vượt qua khó khăn.

Còn một chuyện nữa. Vì lớp mẫu giáo của xã quá xa nên nhiều nhà không cho con em đến lớp. Tụi nhỏ ở nhà lê la không có người trông, mà bố mẹ đi nương đi rẫy cũng không yên tâm. Thế nên, dù nhà chưa khá giả nhưng anh Hỷ đã bỏ ra hơn 24 triệu đồng, xây một lớp mẫu giáo ở nhà mình, thuê cô giáo về nuôi dạy trẻ. Lớp mẫu giáo nhà anh Hỷ mở ra được hơn một năm, bà con các thôn cuối xã đang mừng thì trên về bảo không được mở nữa. Thế là dẹp. Anh Hỷ kể, cuối năm trước bận lo mấy chuyện ở quê (tận Gia Lộc, Hải Dương), năm nay, ít bữa nữa rảnh rỗi nhất định anh sẽ lên huyện, lên tỉnh hỏi về việc này. Nếu cần, anh sẽ lo đủ thủ tục để mở lớp...

Chia tay anh Hỷ trở về Buôn Ma Thuột, chúng tôi hiểu anh mở lớp mẫu giáo cũng là để bà con 5 thôn trong xã đỡ khổ chứ không phải vì chuyện lời lãi. Chuyện cánh lính bao giờ cũng thế, đơn giản và chân thành.

Theo dấu chân Đoàn quân thần tốc trong chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi còn gặp rất nhiều CCB như anh Hỷ, tất cả đều tự hào là những chứng nhân của trận Buôn Ma Thuột - trận đánh tạo ra bước ngoặt của lịch sử và họ đều hạnh phúc khi được góp sức nhỏ bé xóa đi những vết thương chiến tranh, biến chiến trường xưa thành những buôn làng giàu đẹp. Những câu chuyện các anh sẽ được chúng tôi kể tiếp trong các số báo tiếp theo.

Một số hình ảnh trong chiến dịch Tây Nguyên

Binh lính địch ở Tây Nguyên ra trình diện và giao nộp vũ khí cho chính quyền Cách mạng.

Quân giải phóng chiếm sân bay Hòa Bình tại Buôn Ma Thuột.

Giải phóng TX Buôn Ma Thuột.

Trần Chiến - Lê Hoàng Anh