Cuốn “Lễ hội hình thái văn hóa dân gian Hà Nội”: Tìm hiểu giá trị truyền thống ngàn năm

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 10/03/2010

(HNM) - Đầu tháng 3 vừa qua, NXB Quân đội nhân dân cùng các NXB khác đã ra mắt loạt bộ sách kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010.


Cuốn sách dày hơn 250 trang, khổ 14,5x20,5 đã giới thiệu hơn 100 lễ hội thuộc địa bàn Hà Nội ngày nay. Thứ tự các bài giới thiệu lễ hội được xếp theo trình tự ngày mở hội (âm lịch). Sớm nhất là hội Khê Thượng (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì) thờ Tản Viên Sơn Thánh bắt đầu từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng. Lễ hội cuối cùng theo âm lịch là hội chùa Đậu còn gọi Thành Đạo Tự (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín) diễn ra trong 2 ngày 26-27 tháng Chạp. Vẫn với lối viết giản dị, gần gũi với độc giả, cuốn sách này sẽ giúp những ai hứng thú với lễ hội dân gian có thể lên kế hoạch đi thưởng ngoạn.

Tác giả tập trung giới thiệu kỹ những lễ hội có tiếng vốn thu hút không chỉ nhân dân một làng mà cả một vùng rộng lớn và được nhiều người biết đến. Điển hình là các hội: Cổ Loa (Đông Anh), Đền Sóc (Sóc Sơn), Láng (Đống Đa), Gióng (Gia Lâm), Đền Chèm (Từ Liêm)…

Đồng thời, tác giả đã tỏ ra khá kỳ công khi khảo sát cẩn thận, có nguồn tư liệu mới về các lễ hội như hội Nhội (làng Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm), Đền Voi Phục - Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm)… Ở hội Nhội, người viết đã dùng tới 13 trang để mô tả kỹ lưỡng về phần lễ hội và những chi tiết liên quan đến Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy (theo Lĩnh Nam chích quái) hay sự giúp đỡ của thánh Trấn Vũ (theo lời kể của người làng Nhội). Người viết không chỉ mô tả kỹ lưỡng hội Gióng qua 11 trang sách mà còn giới thiệu "Một bài viết về hội Gióng cách đây trên một thế kỷ" với một số đoạn trích dịch từ nguyên tác.

Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu về những lễ hội mới như 990 năm Thăng Long - Hà Nội, 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 995 năm Thăng Long - Hà Nội, đêm đón giao thừa bên hồ Hoàn Kiếm.

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, phần lớn các lễ hội mô tả trong sách đều được viết theo lời kể lại bởi vì trên thực tế trong khoảng 40 năm từ 1945 đến 1986, lễ hội văn hóa dân gian nhìn chung là vắng bóng. Thống kê sơ bộ của Sở Văn hóa - Thông tin ngày trước (năm 2005) thì Hà Nội có trên 200 làng mở lễ hội truyền thống hằng năm. Thực ra, tất cả đều mới được phục dựng từ những năm cuối 80 của thế kỷ trước. Do đó, tam sao thất bản là chuyện cũng dễ hiểu. Điển hình như hội thổi cơm thi của vùng Nghĩa Đô, khi tác giả hỏi nhà văn Tô Hoài (năm 2009 đã 89 tuổi) dân chính gốc làng này, cụ cho biết rằng cũng chỉ được nghe các cố kể lại chứ từ bé đến giờ cụ chưa hề được dự hội này.

Cuốn "Lễ hội hình thái văn hóa dân gian Hà Nội” tuy không đồ sộ, không đi vào những đề tài lớn nhưng đã đem lại những thông tin thú vị, bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu thêm về những giá trị truyền thống trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Yên Nga