Hà Nội: Cứu hồ chưa đủ, còn cần phải cứu sông
Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 09/03/2010
(HNMO) – TP Hà Nội đang có kế hoạch chi ra 1000 tỷ đồng để cứu các hồ bị ô nhiễm. Theo đó, vừa qua, hồ Hoàn Kiếm đã được xử lý bằng công nghệ lọc bùn của Đức, cải tạo và nạo vét sông Tô Lịch, khơi thông hệ thống cống ở Chợ Bưởi...
Tuy nhiên, theo ý kiến của Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân: Những việc làm trên của thành phố thật đáng hoan nghênh, tuy nhiên cho dù được xử lý tốn kém như vậy, nhưng nhiều hồ vẫn là "ao tù", hay nói đúng hơn là "hồ chết"; hơn nữa cư dân thành phố vẫn xả rác và nước thải vô tội vạ, nên hồ vẫn là nơi hứng chịu mọi thứ và ít lâu sau lại bị ô nhiễm trở lại.
Theo bà Vân, Hà Nội phải đặc biệt quan tâm việc cải tạo và phục hồi các dòng sông. Xưa kia sông Hồng đưa nước vào Thăng Long qua hai cửa sông, cửa phía Bắc Hồ Tây qua sông Thiên Phù, qua phường Nhật Chiêu, qua Quán La Sở đến Ngã ba Tam Hợp, tụ lại nơi buôn bán tấp nập của Bến Hồng Tân là khu Chợ Bưởi ngày nay. Cửa thứ hai đi từ phường Hà Khẩu- tức phố Chợ Gạo ngày nay lên phía Bắc, một nhánh rẽ qua phường Hồ Khẩu vào Hồ Tây, giòng chính tiếp tục đi lên gặp sông Thiên Phù ở Ngã ba Tam Hợp Bến Hồng Tân vùng Chợ Bưởi rồi rẽ trái xuống gặp sông Kim Ngưu. Đây là hệ thống sinh mạch quan trọng nhất của Thăng Long xưa, nó mang nước sông Hồng vào tất cả các hồ và tưới mát cho toàn thành phố.
Chúng ta không bao giờ được quên những câu thơ nổi tiếng một thời:
Sông Tô nước chẩy trong ngần
Con thuyền buồm trắng lúc gần, lúc xa.
Việc người Pháp chiếm Hà Nội, lấp sông Tô Lịch đoạn từ phố Chợ Gạo lên hết phố Thụy Khuê rồi lấp ngã ba Hồng Tân, khiến sông Tô Lịch nay trở thành dòng sông chết là một mất mát rất lớn của Thủ đô. Bên cạnh đó, việc phát triển xây dựng ồ ạt mấy chục năm gần đây, lấp rất nhiều hồ lớn nhỏ là một sai lầm rất đáng tiếc của quy hoạch Hà Nội.
Như vậy, trong thời gian tới, Hà Nội không chỉ quan tâm đến việc cứu các hồ mà phải cả các dòng sông, lưu thông đồng bộ nguồn nước trong lành cho toàn thành phố.