EU đau đầu vì nợ

Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 09/03/2010

(HNM) - Giữa lúc còn đang lúng túng với khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp thì nền kinh tế châu Âu lại đối mặt với mối lo mới, liên quan tới khoản nợ 5 tỷ USD của ngân hàng Icesave (Aixơlen) với các khách hàng Hà Lan và Anh. Dân số chỉ hơn 300 nghìn người, nhưng cuộc khủng hoảng nợ tại quốc gia này đang gây chấn động cả "lục địa già".

Do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, cuối năm 2008, Icesave - ngân hàng từng hoạt động mạnh tại các thị trường tài chính Anh và Hà Lan - đã bị phá sản khiến khoảng 400.000 khách hàng bỗng dưng tay trắng. Chính phủ Anh và Hà Lan đã chi ra 3,5 tỷ USD để "cứu" công dân của mình và coi đây là số tiền cho Aixơlen vay. Cuối năm ngoái, 3 nước đạt được thỏa thuận thanh toán khoản nợ này. Chính phủ Aixơlen cam kết bảo lãnh khoản nợ của Icesave bằng một dự luật đã được nghị viện Aixơlen thông qua. Tuy nhiên, đa số người dân Aixơlen lại nói không với dự luật này vì những điều kiện rất ngặt nghèo do các chủ nợ đặt ra. Nếu dự luật trả nợ được thực hiện, mỗi người dân đảo này sẽ phải trả 135 USD/tháng trong 8 năm và không phải gia đình nào cũng có thể trả nợ nổi? Điều này đã được phản ánh qua kết quả kiểm phiếu cuộc trưng cầu dân ý vừa được thực hiện cuối tuần qua với 94% cử tri bỏ phiếu chống.

Người dân Aixơlen biểu tình phản đối Chính phủ trả nợ cho Ngân hàng Icesave.

Như vậy, những xáo trộn về kinh tế và chính trị ở Aixơlen có nguy cơ kéo dài. Trước mắt, nhiều khả năng Aixơlen sẽ phải đối mặt với sự đình hoãn khoản viện trợ tài chính trị giá 4,5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước láng giềng Bắc Âu. Sự chậm trễ của khoản vay này tạo nguy cơ cắt đứt nguồn tài chính cần thiết để phục hồi kinh tế của Aixơlen. Điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc đảo này sẽ tiếp tục suy thoái ở mức 5%, sau khi đã sụt giảm 7% vào năm ngoái. Mặt khác, vụ phá sản của Ngân hàng Icesave đã khơi dậy làn sóng phản đối tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Aixơlen. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, hiện nay có đến hơn một nửa người dân Aixơlen chống lại nỗ lực hòa nhập vào "ngôi nhà chung" châu Âu của Chính phủ, tức là tăng gần gấp đôi so với năm 2008. Nghiêm trọng hơn nữa, việc một quốc gia châu Âu chối từ trả nợ là một tiền lệ xấu cho nhiều quốc gia đang bị dư chấn của vụ khủng hoảng tài chính.

Hiện tại EU đang "mắc kẹt" với bài toán của quốc gia Băng đảo này. Nếu không cứu Aixơlen thì những biến động tại đây có thể lan qua các nước Bắc Âu hoặc các nước bị khủng hoảng phía Nam, như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, Aixơlen lại có vị trí chiến lược về an ninh tại cực Bắc Đại Tây Dương, nơi tiếp cận với Anh, Grinlen và phía bên kia là Canađa và Mỹ. "Bỏ rơi" Aixơlen đồng nghĩa với việc quốc gia này có thể bắt tay với các đồng minh mới để thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay. Vấn đề đặt ra ở đây là nếu móc hầu bao cứu Aixơlen, EU cũng phải làm điều tương tự với Hy Lạp và sắp tới có thể là cả Tây Ban Nha, Italia... trong khi các quốc gia có nhiều khả năng "giải cứu" nhất như Pháp và Đức lại đang chìm trong khó khăn về tăng trưởng và thâm hụt ngân sách.

Hiện tại các "chúa chổm" ở châu Âu đành phải bằng lòng với khẩu hiệu "thắt lưng, buộc bụng". Tuy nhiên, chính sách thắt chặt nhất thời có thể giúp tạo sự ổn định về chính trị nhưng lại làm tăng khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho quá trình phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng. Các nhà lãnh đạo ở "lục địa già" còn phải đau đầu trong những ngày tới để tìm giải pháp cứu nguy các "mắt xích yếu" trong EU.

Quỳnh Chi