Giữ bản sắc văn hóa lễ hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 09/03/2010

(HNM) - Ở Việt Nam, lễ hội đã trở thành truyền thống và từ lâu là một phần không thể thiếu trong đời sống nhân dân. Hiện nay, mỗi năm cả nước có đến hàng ngàn lễ hội.


Lễ hội nhiều cũng chứng tỏ cuộc sống vật chất và tinh thần của con người được nâng lên rất nhiều, thể hiện sự phong phú của văn hóa dân tộc. Về bản chất, các lễ hội của người Việt đa số có mục đích chính tín, hướng tới cái thiêng liêng. Đến lễ hội là thể hiện cái tâm hướng thiện, ngưỡng vọng công đức, tri ân tiên tổ. Đi lễ đầu năm là một phong tục đẹp. Ngoài ra, đây cũng là nơi con người tìm cơ hội giao lưu văn hóa, tìm sự bình an, hỉ xả.

Song trong những ngày xuân này, không khí lễ hội còn tràn ngập, thì cũng có không ít những điều phiền muộn đã xảy ra. Có lễ hội biến thành cơn ác mộng với những ứng xử chưa được văn hóa của người tham dự. Dư luận đã nhiều lần bức xúc về sự lộn xộn, cảnh chen lấn xô đẩy, xả rác, sự thể hiện tín ngưỡng một cách thái quá... sự thiếu quản lý hoặc biến tướng của lễ hội. Dường như phần tâm linh đang bị nhạt dần, thay vào đó là tính xã hội xô bồ lại lấn át. Điều này được thể hiện rõ qua một số lễ hội gần đây. Tại hội đền Trần, người ta tranh giành "cướp" ấn vua ban đến mức nhiều người ngất xỉu vì chen lấn. Tại hội chợ Viềng, thay vì bán đồ lấy may như xưa thì giờ người ta bán đủ loại, mà người mua về nhà rồi mới ngã ngửa vì may chưa thấy nhưng rõ là đã mất tiền oan. Còn tại hội cướp phết ở Phú Thọ, cùng với giành phết, người tham gia bổ sung thêm cả phần đánh lộn lẫn nhau...

Thực tế tại các lễ hội đang tồn tại tư duy tranh thủ thu lợi nhuận với các dịch vụ ăn theo, chặt chém không thương tiếc vào túi tiền du khách, từ chiếc vé gửi xe cho đến các dịch vụ ẩm thực, tất thảy người ta tha hồ mà "vặt", còn khách du lịch thì có lý do củng cố thêm tư duy một đi không trở lại.

Có một nguyên nhân rất đáng quan tâm dẫn đến sự "mất nghiêm trang" của lễ hội chính là sự thiếu trách nhiệm và bất cập trong tổ chức của cơ quan quản lý và tổ chức lễ hội. Ở rất nhiều lễ hội, thường chỉ thấy ban tổ chức quan tâm đến phương án quản lý hàng quán, tổ chức điểm trông xe, dịch vụ nhiều hơn việc tuyên truyền về ý nghĩa và trong lễ hội vẫn tồn tại những thứ không lành mạnh như mê tín dị đoan, cờ bạc... Ngoài ra, còn chưa kể có những lễ hội được phục dựng mà chưa đủ cơ sở khoa học, thậm chí làm sai lạc và biến tướng lễ hội cổ truyền hoặc phục dựng các chi tiết tuy có tính chất truyền thống song không hẳn đã phù hợp với điều kiện, nhu cầu văn hóa hiện tại.

Duy trì, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc là cần thiết, nhưng thiết nghĩ cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc trước một vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội như vậy. Trước tiên trách nhiệm thuộc về ngành văn hóa, cần có những quy chế cụ thể về lễ hội, mang hàm lượng văn hóa sâu sắc. Còn với người dân, du xuân, trẩy hội phải chuẩn bị cho mình tâm lý người thưởng văn hóa, xem mình như là khách để có ý thức trọng thị, thanh thản và vui vẻ. Để lễ hội văn hóa, cũng rất cần người tham dự có văn hóa.

Nữ Quỳnh