Một người con gái Hà Nội đã sống như "Thép đã tôi thế đấy"!
Giới trẻ - Ngày đăng : 15:42, 08/03/2010
Như một sự sắp đặt của số phận, đúng 100 năm ngày Quốc tế phụ nữ, những đồng đội của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm, những chàng trai, cô gái sinh viên Hà Nội ngày nào lên đường vào Nam cùng chị Trâm chiến đấu có dịp trở về tri ân với người bạn mình tại đúng nơi chị đã mãi mãi nằm xuống tuổi 20...
Những đồng đội của Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngày nào về lại chiến trường xưa |
Hành trình ngược về quá khứ
Trong nhật ký của mình vào ngày 8-3-1970, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã viết: "... Chiều nay, một viên đạn vu vơ của bọn lính dưới cầu cũng làm thủng ruột một cô gái trước nhà. Cũng chiều nay, một chiếc áo phơi trong núi đã lọt vào mắt thằng tàu rọ và kết quả của trận oanh tạc bằng đủ loại phi pháo đó là 9 người chết, 12 người bị thương và 4 mất tích.! Nếu không vì may áo và không có mình ở nhà thì chắc em cũng đã đi trốn ở đó rồi... Chao ôi!...Mình đã hành động vì trách nhiệm của một người chị, mình đã bỏ qua tất cả để vun xới cho tình yêu của em và Cúc lớn lên... Phải như PaVen, như Ruồi Trâu, hay như M. của mình đó. Nhất định phải như vậy nghe Th". Các bạn bè chị Trâm đã bật khóc khi đọc những dòng nhật ký này đúng vào ngày kỷ niệm đặc biệt khi trở lại mảnh đất Đức Phổ, Quảng Ngãi. Hành trình về nguồn của những cựu học sinh - chiến sỹ sau 35 năm đất nước thống nhất có thêm địa chỉ đỏ là nơi liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã ngã xuống như một sự tri ân.
Và còn hơn cả những lời tri ân, trước lúc cuốn Nhật ký của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm được một người cựu binh Mỹ công bố và gây tiếng vang lớn trong dư luận, cuộc đời của một người con gái Hà Nội sống và làm việc cách đây 40 năm đã có sức truyền cảm lay động lòng người. Cuốn nhật ký ấy đã được nhiều thế hệ ngày hôm nay tìm đọc để học tập và noi gương. Thật cảm động hơn khi được nghe chuyện từ chính những người dân xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Họ đã sống bên chịngay tại nơi chị chỉ huy một bệnh viện dã chiến trong nhiều năm liền cho đến ngày anh dũng hy sinh.
Những người cùng thời với bác sĩ Đặng Thùy Trâm cách đây 40 năm nay người còn, người mất. Nhưng với những ai từng sống chung, từng làm việc với chị đều giữ nguyên vẹn hình ảnh cô gái Hà Nội nhỏ nhắn đã vượt Trường Sơn để đến Phổ Cường, nơi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt để làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh. Bà Tạ Thị Lịch, nguyên giao liên xã bồi hồi nhớ lại hình ảnh năm xưa ấy: "Không ai người nhỏ nhắn mà gan dạ như chị, từ ngoài Bắc đi bộ vào trong này công tác ròng rã mấy tháng trời. Ngay từ đầu khi cô mới đến, bà con đều xúc động lắm và vẫn tìm đến hỏi thăm hàng ngày"
Cảm phục tinh thần gan dạ của cô gái Hà Nội, quý trọng tinh thần hết mình vì thương bệnh binh,người dân Phổ Cường thương nhớ chị Trâm như là người thân yêu của mình. Cầm cuốn nhật ký trên tay, cũng ánh mắt ấy, nụ cười ấy được in trang trọng trang bìa, họ như được gặp lại hình ảnh của chị ngày nào. Ông Trần Nguyên Tạng, nguyên quản lý trạm xá Phổ Cường năm 1967 kể lại: "Ít có cô y tá nào phục vụ tận tình như chị, cái gì cũng làm, tất rách cũng đi khâu vá lai, bông băng của anh em cũng đem ra giặt giũ. Chăm sóc bệnh nhân thì vô cùng tận tình..."
Lời của trái tim!
Sau từng ấy năm, bây giờ người dân Phổ Cường dường nhưvẫn gặp lại chính mình trong từng trang nhật ký có lửa ngày nào. Như chị đã viết đúng vào ngày 8-3-1969 (trước thời điểm hy sinh một năm): "Đi thăm bệnh nhân về giữa đêm khuya. Trở về phòng, nằm thao thức không ngủ được. Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hoặc một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây. Nghĩ gì đấy Th. oi? Nghĩ gì mà đôi mắt đăm đăm nhìn qua bóng đêm. Qua bóng trăng mờ Th. thấy biết bao là viễn cảnh tươi đẹp, cả những cận cảnh êm đềm của những ngày sống giữa tình thương trên mảnh đất Đức Phổ này. Rồi cảnh chia ly, cảnh đau buồn cũng đến nữa... Đáng trách quá Thùy ơi! Th. có nghe tiếng người thương binh khẽ rên và tiếng súng vẫn nổ nơi xa. Chiến trường vẫn đang mùa chiến thắng!..." Cậu em Th. được nhắc đến chính là đồng chí Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Đồng chí vẫn chưa hết xúc động khi được gặp lại chính mình: "Đọc lại nhật ký tôi thấynao nao cảm động khi được sống lại những ngày bên chị Trâm. Tình cảm của chị Trâm với chúng tôi trong những năm tháng đó thật thiêng liêng, cao quý biết bao."
Không còn bom đạn, mảnh đất Phổ Cường hôm nay đã xanh tươi trở lại. Bác sĩ Trâm dường như vẫn đang sống lại với người dân nơi đây. Những ngày này, không chỉ người Phổ Cường nhắc về chị mà cả nước vẫn đang đọc những trangnhật ký sôi động năm xưa, họ như luôn thấy chị ở bên. Niềm tin của người con gái Hà Nội ngày ấy đã được bạn bè tiếp nối trong hành trình mãi mãi tuổi 20. Những đồng đội, chiến sỹ - sinh viên ngày ấy bằng tất cả sự tri ân đã thành lập "Quỹ mãi mãi tuổi 20" có hình bóng chị, hình bóng liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và bao lớp người con ưu tú của mảnh đất kinh kỳ xếp bút nghiên lên đường xả thân vì Tổ quốc ngày ấy.
Một cựu chiến binh sinh viên ngày ấy, bác Lê Xuân Tường bộc bạch: "Những dòng nhật ký của chị Trâm, anh Thạc đã nói hộ chúng tôi nhiều lắm. Cảm ơn các bạn đã nói hộ những buồn vui, ước vọng, những trăn trở kể cả những ấm ức trong lòng... Chúng tôi là thế hệ sinh ra trong cái nôi của CNXH, được hưởng thụ một nền giáo dục tốt đẹp. Cũng như chị Trâm và anh Thạc, chúng tôi đã cùng nhau bước vào cuộc chiến đấu chung của dân tộc, mang theo danh dự, lòng tự trọng, nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm đối với xã hội". Đúng như lời bác Tường, những sinh viên tuổi 20 ngày ấy đều mang theo khát vọng sục sôi lên đường.
Trở lại với chị Trâm đúng ngày 8-3 năm nay có nhiều người bạn học. Họ đặt lên Đài tưởng niệm trạm xá mang tên chị những bông hồng bọc trong giấy còn tươi nguyên và tỏa ngát thay cho mọi lời tâm sự. Có nhiều nữ đồng đội vượt ngàn dặm xa xôi trở từ miền Nam hay từ những rẻo cao Tây Bắc lặn lội về Thủ đô cùng hành trình với "Quỹ mãi mãi tuổi 20". Hành trang lên đường ngày nào, giờ còn có thêm những dòng nhật ký vang vọng mãi thời gian...