Không chỉ có một ngày đặc biệt
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 08/03/2010
Quà tặng không giá trị bằng thái độ tặng
Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà chia sẻ, mỗi lứa tuổi và tình trạng hôn nhân có nhu cầu, mong muốn khác nhau về quà tặng. Chẳng hạn, các bạn gái trẻ đang yêu sẽ thích những đồ thể hiện sự lãng mạn như thú bông, hoa... còn những người có gia đình, nhất là kết hôn lâu năm sẽ chọn những thứ thiết thực hơn. Điều chị em coi trọng nhất không phải là món quà đó đắt hay rẻ, là tiền hay mỹ phẩm, trang sức... mà chính là thái độ của người tặng. Một món quà đắt giá, rất hợp gu nhưng người tặng tỏ vẻ hời hợt thì cũng không người phụ nữ nào vui. Đôi khi chỉ một câu nói nhẹ nhàng, một cử chỉ nho nhỏ thể hiện sự quan tâm chân thành cũng khiến chị em cảm động.
Chia sẻ những công việc thường nhật sẽ góp phần gắn bó tình cảm gia đình. |
Được sự tư vấn của chuyên gia tâm lý, ngày 8-3 năm nay, anh Thiết Thái H., ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy sẽ tặng vợ một món quà khá độc đáo. Anh bật mí, hôm nay, khi mở ngăn tủ lấy tiền đi chợ, chắc chắn vợ anh sẽ rất vui khi thấy một chiếc phong bì, bên ngoài vẽ hình trái tim màu hồng nằm ngay ngắn, bên trong có 5 triệu đồng. Anh tin chắc bà xã sẽ dùng một phần nhỏ để chuẩn bị bữa cơm thật thịnh soạn đãi cả nhà, phần còn lại dùng để mua máy giặt như mong ước của cô từ đầu năm nay.
Với anh Nguyễn Hà Dũng, phường Thành Công, quận Ba Đình thì đây là dịp để cánh đàn ông thể hiện sự "ga lăng" của mình, anh chỉ thích tặng vợ những quyển sách hay.
Nguyễn Lê Hưng, cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lại có quan điểm khác. Anh chia sẻ: Đối với tôi, ngày 8-3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng, với áp lực của công việc ở nơi công tác, với yêu cầu của gia đình và bổn phận của một người vợ, người mẹ, họ thật sự đã quá tải. Thế nhưng, cũng phải thú thật rằng tôi chưa có nhiều thời gian giúp vợ việc nhà. Vì thế, những dịp như thế, tôi hết sức "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên" và thường trực nụ cười hòa giải. Hôm nay, tôi sẽ chọn những bông hoa đẹp nhất dành tặng mẹ và tặng nàng - bạn đời của tôi. Nếu không bận, chúng tôi sẽ sửa soạn một bữa cơm gia đình ấm cúng, "hâm lại" chất lãng mạn tình yêu.
Chỉ tiếc là ngày vui của "một nửa thế giới", khi nhiều chị em hân hoan trong tràn ngập hoa tươi, quà tặng và những lời chúc yêu thương thì bên cạnh đó vẫn còn không ít chị em không có ngày 8-3. Họ là những lao động ngoại tỉnh vẫn mải mê mưu sinh với gánh hàng rong. Với họ, những ngày vui chính là những ngày bán đắt hàng... kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về quê chăm lo cho con cái, gia đình.
Để có 365 ngày hạnh phúc
Trái ngược với cánh nông thôn hay an phận thủ thường, cũng khá nhiều chị em gọi điện thoại đến chuyên gia tâm lý hỏi nên "cải tổ" ông chồng mình như thế nào, để dụ chồng vào bếp không chỉ trong ngày 8-3. Chị Lê Thu Thủy, cán bộ Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sản phẩm tâm sự: Hai vợ chồng tôi đều đi làm ngoài xã hội như nhau nhưng cứ mỗi chiều về tôi phải quét dọn nhà cửa. Sau đó phải chăm con, chợ búa, nấu nướng để có bữa cơm tối cho gia đình. Khi tất cả đã ăn uống xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi, tôi lại lao vào dọn dẹp, giặt giũ, là quần áo chuẩn bị sáng mai đi làm. Trong khi tôi bận cơm nước, thu dọn nhà cửa thì ông xã cứ ngồi xem ti vi mà không hề nghĩ cần giúp đỡ vợ, có lần anh ấy còn tuyên bố thẳng thừng, chỉ vào bếp giúp vợ trong riêng ngày 8-3. Nói như thế khác nào 364 ngày còn lại trong năm tôi chỉ là lao công quét dọn, một bà đầu bếp, một người bồi giặt giũ ủi là, một vú em nuôi trẻ… Tôi dự định bắt đầu từ ngày 8-3 này sẽ làm một cuộc "cách mạng gia đình", có nên không?
Chia sẻ nỗi niềm với chị Thủy, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng nhắc nhở, 8-3 là Ngày Quốc tế phụ nữ, lấy ngày đó bắt đầu chiến dịch "dụ chồng vào bếp" là rất ý nghĩa. Nhưng Thủy cũng đừng nghĩ có thể làm gì để sau ngày đó, sang đến ngày 9-3 thì ông xã đã thành người thích vào bếp với vợ. Bởi có thể nói, đàn ông lười làm việc nội trợ là một nếp sống "cổ truyền" từ nhiều đời nay, khi người phụ nữ không có địa vị gì trong xã hội. Chỉ từ hơn một thế kỷ nay, phụ nữ được giải phóng mới đòi hỏi người đàn ông phải chia sẻ công việc gia đình. Cho nên đấng mày râu thường nhìn những tấm gương các thế hệ đàn ông đi trước, coi sự nghiệp là trên hết và không chịu tham gia việc nhà. Vì vậy, muốn "làm mới" chồng, phải kiên trì. Bước đầu, phải cho đàn ông thấy, làm việc nhà họ được lợi gì? Bởi vì điều ít ai ngờ tới là hầu hết đàn ông có tham gia việc nhà đều có sức khỏe tốt hơn. Ngày nay không ít đàn ông ngồi lì suốt ngày ở bàn giấy, bên chiếc máy vi tính, thiên về lao động trí óc mà rất ít cử động chân tay. Hiện tượng những ông chồng mới ngoài 40 tuổi đã "có bụng" hoặc mắc bệnh béo phì, chính vì cơ bắp hoạt động quá ít mà lại uống bia rượu quá nhiều. Việc đi lại hay đi lên đi xuống cầu thang và làm các việc lặt vặt trong nhà có tác dụng không kém tập thể dục thường xuyên.
Những người vợ khôn ngoan khi thấy chồng bắt đầu nhúc nhắc việc nhà nên tìm mọi cách động viên, khích lệ. Nếu anh ta dọn dẹp, bày biện chỗ nào đó theo ý của anh ấy, người vợ nên khen đẹp, khen tiện lợi chứ không nên chê bai. Nếu lại bắt chồng dẹp bỏ đi, bày biện lại theo ý mình thì chẳng khác nào bảo anh ta "từ lần sau cứ ngồi xem tivi cho tôi nhờ". Đặc biệt khi chồng hí hửng bày ra bàn những món đặc sản do anh ta mới sáng tác, thì dù có hơi khó nuốt một chút cũng đừng nhăn mặt mà nên cố khen là ngon để động viên
Tiếp nữa là phụ nữ phải thỉnh thoảng đi công tác hoặc chỉ việc cho đàn ông làm. Đàn ông do bản tính xuề xòa thấy mọi việc đâu đã vào đấy cả nên cứ ngồi chơi. Người vợ phải chỉ việc cụ thể như lau nhà, giặt quần áo, tưới mấy cái cây. Khi ra những mệnh lệnh ấy phải càng ngắn gọn càng tốt, vì đặc điểm của đàn ông là không thích nghe ai nói dài. Chẳng hạn: "Anh quét nhà đi!", hay ngọt ngào hơn thì: "Anh quét hộ em cái nhà đi!", không nên ca cẩm. Đây chính là nghệ thuật làm vợ, nghệ thuật "đào tạo" chồng thành người chồng chăm chỉ, tuyệt vời.