Những người phụ nữ không có ngày 8-3
Đời sống - Ngày đăng : 19:38, 07/03/2010
(HNMO)- Những người phụ nữ nhỏ bé tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên chỉ mong muốn được gánh hàng nhiều hơn nữa… Với họ, ngày mùng 8-3 như bao ngày bình thường khác.
Chợ đầu mối hoa quả Long Biên là nơi mưu sinh của nhiều phụ nữ |
Bốc vác được nhiều người “mặc định” là công việc nặng nhọc dành cho những người đàn ông khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi đến khu chợ đầu mối hoa quả Long Biên vào buổi sớm, có thể dễ dàng nhận thấy có nhiều người phụ nữ đang tất bật, còng lưng gánh hàng. Chỉ với một chiếc đòn gánh và hai sợ thừng, họ gánh trên vai cả thùng hoa quả nặng đến 50kg.
Những dáng người nhỏ bé mà dẻo dai. Những khuôn mặt hốc hác với nước da sạm đi. H mắt thâm quầng và trũng sâu vì thiếu ngủ. Ánh mắt nhìn chỉ chăm chăm vào đống hàng cần được vận chuyển ra bên ngoài... những người phụ nữ ấy luôn mong muốn chủ hàng sẽ gọi đến lượt mình.
Họ thức thâu đêm để chờ người ta thuê mình |
Trong khu chợ Long Biên, số lượng phụ nữ làm công việc của đàn ông này nhiều hơn cả. Có hàng trăm người từ khắp các tỉnh lân cận Hà Nội đến thuê trọ ở khu Long Biên với hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn quê nhà để chăm lo cho gia đình. Những người phụ nữ lao động ở đây thường từ 30 đến 40 tuổi.
Giờ lao động của những người phụ nữ này ở chợ Long Biên cũng rất đa dạng, chủ yếu là từ đêm, đông nhất vào khoảng 3-5h sáng. Thời gian này hàng được chở về nhiều, những chủ hàng cũng cần số lượng người gánh hàng thuê đông hơn.
Công việc nặng nhọc, nhưng tiền công của họ lại không được là bao. Chị Mến (Bắc Giang) cho biết “Mỗi gánh hàng như thế này (khoảng 30 kg) có khi chỉ được trả 2 000đ gánh ra ngoài cổng chợ. Tùy vào từng chủ thuê, nhưng thường thì chỉ được từ 5 000đ đến 10 000đ một gánh hàng khoảng 50kg.”
Công việc nặng nhọc khiến hầu như những người phụ nữ này không còn nhớ tới ngày cả thế giới tôn vinh họ |
Thu nhập của những người gánh hàng mỗi đêm ở chợ Long Biên khoảng 50 000 đồng – 100 000 đồng, phụ thuộc vào lượng hàng và nhu cầu lấy hàng của chủ hàng. “Thường thì vào ngày lễ, tết sẽ có nhiều việc để làm hơn, chủ hàng cũng thưởng công cao hơn. Những ngày đó, một đêm cũng làm được 200 000 đến 300 000 tùy vào sức của mỗi người” Chị Lý (Nam Định) chia sẻ.
Tính ra hằng đêm, đôi vai của người phụ nữ ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên gánh tới cả…nửa tấn hàng!
Công việc vất vả là thế, nhưng những người phụ nữ này lại sống ở những khu trọ hết sức tồi tàn miễn sao cho giá thuê là rẻ nhất để có thể dành được nhiều tiền hơn cho con ăn học dưới quê. Những chỗ ngủ ở khu Long Biên này chỉ từ 5 000 đến 10 000đ một người mỗi đêm. Đó là một gian nhà rộng, và cả chục người cùng trải chiếu xuống sàn, mỗi người một góc cho có chỗ nằm.
Lên Hà Nội và kiếm sống ở khu chợ Long Biên này bằng nghề bốc vác cũng được ngót 3 năm, chị Yên (Hưng Yên) chia sẻ: “Ở quê giờ đất ruộng được thu hồi để xây khu công nghiệp, mình thì không có học hành gì cũng chẳng có nghề gì ngoài nghề nông nên có ở quê họ cũng chẳng thuê. Ruộng không còn nên phải lên đấy kiếm kế sinh nhai nuôi gia đình chứ. Cũng vất vả lắm!”
Không biết đến bao giờ những gánh hàng thôi oằn trên đôi vai của những người thuộc “phái yếu” này. |
Tuy nhiên, công việc với đa số người phu nữ ở Long Biên chủ yếu chỉ là công việc trong thời gian nông nhàn. “Đến mùa vụ thì phải về cấy lúa chứ! Cấy xong lại lên làm kiếm thêm tiền chi tiêu cho gia đình. Chứ ở quê thì lấy đâu ra tiền mà nuôi con ăn, học” chị Mến nói.
Khi được hỏi về ngày 8-3, những người phụ nữ tần tảo vì gia đình này cũng chỉ cười xòa. Vất vả là thế, nhưng chưa bao giờ những con người này than thở mà chỉ biết chăm lo cho gia đình mình tốt hơn. Món quà ý nghĩa nhất mà họ mong nhận được ngày 8-3 chỉ đơn giản là có nhiều người thuê mà thôi. Điều đó đồng nghĩa với việc, những đôi vai yếu gầy lại oằn mình dưới những gánh hàng.