Ứng xử với học sinh… cá biệt
Giáo dục - Ngày đăng : 08:28, 07/03/2010
Cô Phạm Hồng Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 11
- Những em cá biệt thường có đặc điểm thích chơi hơn học, thích phá bĩnh, "nổi loạn", bướng bỉnh, kết quả học tập kém. Nhưng tất nhiên nói vậy không có nghĩa học sinh cá biệt nào cũng thế. Có em học hành rất thông minh song lại thích khẳng định mình bằng những hành động phá bĩnh… Phải nói rằng những em đó "cứng đầu cứng cổ" khủng khiếp. Sự "cứng đầu cứng cổ" ấy, có khi được các em thể hiện dưới một vỏ bọc lành hiền, ít nói nhưng cũng có khi thể hiện ngay ra bên ngoài bằng sự lỳ lợm, lếu láo… Với kinh nghiệm của tôi, đối với học sinh "cá biệt" phải cương - nhu đúng lúc. Nhưng ngay cả khi "nhu" cũng phải dứt khoát, kiên định và không thể hiện rõ cho học sinh biết. Một lần, lớp tôi mất sổ ghi đầu bài, quyển sổ được coi là "sổ Nam tào" đặc biệt là với học sinh cá biệt. Mà mất sổ này, chắc chắn chỉ do những học sinh bị ghi tên trong đó. Khi ấy, lớp tôi có hai học sinh được coi là "cá biệt" và hôm ấy cả hai học sinh này đều bị ghi tên vì trốn tiết. Nhưng làm thế nào để cho một trong hai học sinh này phải nhận là thủ phạm "phi tang" sổ ghi đầu bài. Tôi gọi hai học sinh này lên nhưng tách riêng hai em mỗi người một phòng, tôi hỏi dồn dập hàng loạt các câu hỏi để xem các em trả lời ra sao: các tiết học hôm đó gồm môn gì, giáo viên nào, mặc trang phục màu gì, những ai được giáo viên gọi lên bảng, lúc đó em làm gì… Các em trả lời rất ấp úng. Thế là ai nói dối tôi biết ngay. Và khi đã phát hiện ra học sinh nào nói dối thì việc buộc các em nhận lỗi là đơn giản. Nhưng quan trọng nhất đối với những học sinh này phải thể hiện rõ thái độ của mình nghiêm khắc nhưng công bằng, đặc biệt không trù úm, "dìm" học sinh do lỗi của các em. Có như vậy các em mới "tâm phục, khẩu phục".
Thầy Hoàng Văn Định, chủ nhiệm lớp 9
- Với cách giải quyết của giáo viên trên đây thì không phải với học sinh cá biệt nào cũng có thể được. Bởi đó là những học sinh cá biệt còn biết sợ. Còn với những học sinh cá biệt côn đồ như một tên du đãng ngoài đường và coi việc được học hay không được học không quan trọng, thậm chí không biết quý tính mạng, tương lai sự nghiệp của mình thì sao. Tôi đã gặp học sinh như thế. Em này tên là Quyết. Có lần, khi giáo viên bộ môn gọi em lên kiểm tra bài cũ nhưng do không thuộc bài, em đã bị giáo viên cho điểm 2. Chưa thèm nhận quyển vở trả từ tay giáo viên, Quyết đã bất ngờ tát cô giáo của mình một cái giữa lớp trước sự chứng kiến của tất cả học sinh. Sau đó, Quyết trốn ngay khỏi lớp. Còn giáo viên vì quá bất ngờ nên không kịp phản ứng gì mà chỉ biết ôm mặt khóc chạy xuống văn phòng. Sự việc xảy ra khoảng 15 phút thì tôi có mặt. Tôi đã "trấn an" tinh thần của học sinh trong lớp và cử một vài em cùng với tôi tìm đến nhà Quyết để nghe Quyết nói về sự việc. Đến nhà Quyết tối hôm ấy, ngoài tôi và một số học sinh, tôi còn nhờ một đồng chí công an phường cùng đi. Thực ra làm như vậy, tôi chỉ muốn Quyết nhận thức rõ hành động phi đạo đức của em và muốn em đến xin lỗi giáo viên bộ môn mà em đã xúc phạm. Đó là cách giải quyết của tôi và tôi đã thành công. Quyết tự nguyện đến nhà cô giáo xin lỗi và đọc kiểm điểm trước lớp về hành vi của mình.
Tôi hy vọng những thực tế của chúng tôi trên đây sẽ giúp giáo viên trẻ trong việc đối mặt với học sinh cá biệt.