Doanh nghiệp phân phối trong nước: Cần các đầu tàu đủ mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 07/03/2010
- Nhìn bề ngoài, đã qua hơn một năm sau thời điểm 1-1-2009 khi Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO, có vẻ như các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia chưa "đổ bộ" rầm rộ. Trong khi đó, các doanh nghiệp phân phối trong nước đã có sự bứt phá trong đầu tư. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
- Các tập đoàn phân phối đa quốc gia khi mở rộng phạm vi hoạt động đến bất kỳ quốc gia nào trên thế giới họ đều có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và có những bước đi mang tính chiến lược. Không nên nhìn vào hiện tượng để đánh giá bởi hầu hết quy mô đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ. Tôi tin rằng chỉ trong một vài năm tới, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam sẽ triển khai hàng chục đại siêu thị trên toàn quốc.
- Tương quan thị phần giữa doanh nghiệp phân phối trong nước với các tập đoàn phân phối nước ngoài hiện nay như thế nào, thưa ông?
Siêu thị Big C, mô hình liên doanh thành công giữa Tập đoàn Casino và một số doanh nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Khánh Nguyên |
- Theo số liệu mà tôi được biết, các tập đoàn phân phối nước ngoài đang chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong phân phối bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, trong 5-10 năm nữa, tỷ trọng này có thể lên tới 70%. Dù vậy, các tập đoàn phân phối nước ngoài khi vào Việt Nam chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn nên cơ hội vẫn còn với doanh nghiệp phân phối trong nước nếu họ khai thác tốt thị trường nông thôn. Đây là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp phân phối Việt Nam có thể khai thác bởi 70% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn nhưng triển khai như thế nào lại là vấn đề. Mới đây, Bộ Chính trị đã phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhưng đưa được hàng Việt về nông thôn là một chặng đường đầy gian nan. Nhu cầu mua sắm của người nông dân hiện nay rất lớn nhưng cần phải tính đến sức mua có khả năng thanh toán. Nếu như thu nhập của người nông dân chưa được nâng lên thì sức mua vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Mặt khác, muốn đưa hàng Việt về nông thôn thì phải có được một mạng lưới phân phối rộng khắp và chuyên nghiệp. Vì vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ về mặt bằng để xây dựng được các kho và tổng kho nhằm rút ngắn các khâu trung gian, giảm chi phí, đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích doanh nghiệp phân phối trong nước tham gia đầu tư. Trên cơ sở đó, thiết lập hệ thống hai chiều: sản xuất từ thành thị, phân phối về nông thôn và đưa hàng hóa sản xuất từ nông thôn về thành thị. Hệ thống hai chiều này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển và làm cho đường đi của sản phẩm đến người tiêu dùng ngắn nhất.
- Sự yếu kém của hệ thống phân phối sẽ tác động như thế nào đến sản xuất thưa ông?
- Hiện trên 90% doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, trình độ và quy mô sản xuất còn hạn chế nên rất khó có thể đưa sản phẩm vào hệ thống thương mại hiện đại. Điều này sẽ tạo ra lợi thế về đàm phán thu mua của các tập đoàn phân phối lớn, khiến các doanh nghiệp sản xuất phải bán hàng với giá thấp hoặc gia hạn thanh toán. Trong khi đó, hàng rào thuế quan đang dần được gỡ bỏ sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam. Vì vậy, sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.
- Trong lúc các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam còn non yếu thì xu hướng liên doanh, liên kết với các tập đoàn phân phối nước ngoài được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên ranh giới giữa liên doanh, liên kết và... thôn tính khá mong manh...
- Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam đều có khảo sát và nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích…) hiện mới chiếm khoảng 20% trong hệ thống phân phối. Với một thị trường phân phối bán lẻ hiện đại còn khá sơ khai như ở Việt Nam thì các tập đoàn phân phối lớn thường chọn giải pháp xây dựng mới hoàn toàn theo một mô hình đã được chuẩn hóa. Nhưng khi bị hạn chế bởi các hàng rào kỹ thuật thì rất có thể các doanh nghiệp cũng sẽ tính đến khả năng liên doanh liên kết. Mục tiêu cuối cùng của các tập đoàn là khai thác tốt thị trường Việt Nam và thu được nhiều lợi nhuận.
- Cách đây vài năm, Phú Thái đã liên kết với Saigon Co.op, Hapro và Satra, thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn phân phối Việt Nam (VDA), nhưng dường như tiến độ triển khai các dự án có vẻ chậm?
- VDA được thành lập với mục tiêu sẽ trở thành một đầu tàu trong lĩnh vực phân phối ở Việt Nam trong tương lai gần bởi đã hội tụ được những thế mạnh của 4 nhà phân phối bán lẻ lớn hiện nay. Chúng tôi tập trung vào việc xây dựng và phát triển chuỗi các trung tâm thương mại, các đại siêu thị tại các trung tâm thành phố lớn cũng như khu vực lân cận với các thương hiệu và đẳng cấp khác nhau, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại để tạo điều kiện cho việc tổ chức lại hệ thống bán buôn, phân phối và bán lẻ. Nhưng do khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng nên tiến độ có bị chậm. Tuy nhiên, chúng tôi đang gấp rút triển khai để trong một hai năm tới sẽ đưa vào sử dụng 15 đại siêu thị.
- Theo ông, cần có chính sách như thế nào đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ?
- Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam thua kém các tập đoàn nước ngoài về mọi mặt, vì vậy rất cần có sự quan tâm, trợ giúp từ phía Chính phủ. Sự trợ giúp trước hết phải tập trung vào các doanh nghiệp điển hình để tạo sự bứt phá thành các đầu tàu. Mặt khác, cần có một quy hoạch tổng thể cho ngành phân phối, tránh đầu tư chồng chéo gây lãng phí. Theo tôi, cần tập trung vào ba vấn đề: chính sách hỗ trợ về mặt bằng, xây dựng luật bán lẻ, định hướng phát triển ngành phân phối. Hiện Bộ Công thương đang soạn thảo lại đề án phát triển chuỗi sản xuất - phân phối để trình Chính phủ. Nhưng ngay cả khi đề án được triển khai thì nhanh cũng phải 5-10 năm sau mới có thể phát huy hiệu quả. Bởi để có được một mạng lưới phân phối tốt thì cần đầu tư rất nhiều và nếu không có được các cơ thế khuyến khích tốt thì khó thu hút được doanh nghiệp tham gia. Mặt khác, cần có chính sách về hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!