Đừng để “cái khó bó cái khôn” !

Thể thao - Ngày đăng : 06:31, 07/03/2010

(HNM) - Ngày mùng 4 Tết Canh Dần vừa qua, kỳ thủ Việt Nam Lê Quang Liêm đã gây tiếng vang trong làng cờ vua thế giới khi xếp thứ 3 Giải cờ vua Mátxcơva mở rộng với phần thưởng 8.000 ơrô. Ngay sau đó anh lại xếp thứ nhất Giải cờ vua Aeroflot mở rộng với phần thưởng 21.000 ơrô. Đây là 2 giải có uy tín cao trong làng cờ vua thế giới. Uy tín của cờ vua Việt Nam nhờ đó cũng tăng lên đáng kể…

Điều đáng khâm phục là Lê Quang Liêm đã vượt qua những kỳ thủ từng được coi là "thần đồng" cờ vua thế giới như Bacrot Etienne (Pháp), Bu Xiangzhi (Trung Quốc). Giải Mátxcơva mở rộng có 100 đại kiện tướng (ĐKT)/189 kỳ thủ tham gia còn ở giải Aeroflot mở rộng, ở bảng A (bảng có chất lượng chuyên môn cao hơn hẳn mà Quang Liêm tham gia) có 75/80 kỳ thủ là ĐKT trong đó có nhiều danh thủ hàng đầu thế giới là Vachier Lagrava, Bacrot Etien (Pháp), Kamsky Gata (Mỹ), Bu Xiangzhi (Trung Quốc), Motylev Alexander (Nga)... Quang Liêm đều không thua họ.

Kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm.


Quang Liêm đã thi đấu 2 giải đấu liền kề nhau nhưng thể lực và sức cờ của anh chẳng những không giảm mà còn tăng lên, thành tích giải sau tốt hơn giải trước, chứng tỏ khả năng, bản lĩnh của anh đã hơn trước rất nhiều. Thành công của Lê Quang Liêm ở 2 giải đấu này đã được báo chí thể thao Nga phân tích, khen ngợi. Cần nhớ là cờ vua Nga thuộc hàng có uy tín nhất thế giới với rất nhiều nhà vô địch thế giới, được báo chí của một nước như thế khen là chuyện rất vẻ vang. Với thành tích này, không chỉ hệ số Elo trên bảng xếp hạng cờ vua thế giới của anh sẽ được cải thiện mà đương nhiên sắp tới Quang Liêm sẽ được dự nhiều giải uy tín khác của thế giới mà không phải đóng lệ phí thi đấu.

Cần một cách nhìn nhận đúng

Nhìn Lê Quang Liêm hôm nay lại nhớ đến Trần Oanh, xạ thủ Việt Nam đầu tiên ghi tên mình vào bảng kỷ lục thế giới năm 1962 tại Trường bắn Pleden (Tiệp Khắc). Anh bộ đội Cụ Hồ - Trần Oanh, người từng "chân đất, đầu trần đi lùng giặc đánh" đã làm những người có mặt ở Trường bắn Pleden ngỡ ngàng. Việt Nam khi ấy được thế giới biết đến nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ, còn thể thao Việt Nam khi đó được thế giới biết đến nhờ tay súng Trần Oanh. Tay súng huyền thoại này và Lê Quang Liêm đã chứng minh một điều là, ở những môn không cần tầm vóc "khủng", VĐV Việt Nam vẫn có thể lập kỳ công, sánh ngang với các VĐV thế giới. Đó là thực tế, các nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam cần chú ý "đầu tư". Sự thực là với tầm vóc của người Việt Nam, có rất nhiều môn của thể thao Việt Nam không thể so đọ với VĐV của các dân tộc có ưu thế về tầm vóc. Chúng ta có khá nhiều kỳ thủ xuất sắc cỡ Lê Quang Liêm (như Nguyễn Ngọc Trường Sơn chẳng hạn) nhưng tài năng của họ bị dừng lại chỉ vì câu hỏi "tiền đâu?". Với thể thao (đặc biệt là cờ vua), không thi đấu quốc tế thì không thể nâng cao thành tích, ai cũng biết như vậy nhưng chính sách chia đều kinh phí cho vài chục môn đã làm thành tích của VĐV dừng lại mà lẽ ra họ có thể tiến bộ rất nhanh. Trường hợp nữ KTQT môn cờ vua Hoàng Thanh Trang đầu quân cho cờ vua Hungari chính là hậu quả của cách đầu tư dàn trải của thể thao Việt Nam. Thành tích của Lê Quang Liêm vừa qua rồi sẽ chẳng là gì nếu sự đầu tư cho kỳ thủ này không tương xứng với khả năng của anh.

Thành công của Lê Quang Liêm không quá bất ngờ. Anh từng giành HCV U11 Giải trẻ thế giới, 2 HCB (Giải trẻ thế giới U11, U12), HCV U16 Giải trẻ thế giới, được đặc cách phong Đại kiện tướng quốc tế (ĐKTQT) sau khi thắng 5, hòa 3 ĐKTQT tại Giải Olimpiad cờ vua năm 2006. Năm 2009 Quang Liêm lọt vào Top 100 thế giới, lọt vào Top 10 kỳ thủ trẻ thế giới.

Hà Thành