Nguy hiểm bởi… “phong trào”

Đời sống - Ngày đăng : 06:05, 07/03/2010

(HNM) - Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2009, cả nước đã xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 507 vụ chết người; tổng số người bị nạn là 6.421 người, trong đó có 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng.

Thiệt hại về vật chất là 39,388 tỷ đồng. Tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên đến 457.817 ngày. So với năm 2008, năm 2009 số vụ TNLĐ tăng 7,09%, số người bị nạn tăng 6,18%, số người chết giảm 4,01%, số người bị thương nặng tăng 8,82 % .

Phân tích biên bản TNLĐ chết người cho thấy nguyên nhân gây chết nhiều người nhất là do người sử dụng lao động (chiếm 75,55% tổng số vụ); do người lao động chiếm 18,51% tổng số vụ. Các địa phương xảy ra nhiều tai nạn chết người là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương... Các lĩnh vực xảy ra nhiều là xây lắp, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo.

Về bệnh nghề nghiệp và tình hình nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật: theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2009 đã có 120.992 người được khám bệnh nghề nghiệp, trong đó có 7.343 trường hợp được chẩn đoán nghi mắc bệnh nghề nghiệp. Tính đến hết năm 2009, có 26.709 người mắc bệnh. Một số bệnh có tỷ lệ cao là bụi phổi - silic chiếm 75,1%, bệnh điếc do tiếng ồn 15,4%. Năm 2009 có 243 ca nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật liên quan đến lao động.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNLĐ gây chết người như đã nói ở trên phần lớn do người sử dụng lao động vi phạm các quy định lao động. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến chính người lao động cũng coi thường tính mạng của mình. Hiện nay, nhiều công ty khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó mức phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn lao động (tối đa là 20 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm) còn quá thấp, không đủ sức răn đe.

Từ nhiều năm nay, năm nào chúng ta cũng tổ chức Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ nhưng hiệu quả chưa cao, còn mang tính bề nổi. Khi phát động, các doanh nghiệp đều ra quân hưởng ứng, nhưng khi kết thúc tuần lễ, thì mọi việc lại trở về như cũ. Số vụ TNLĐ vẫn tăng, nhiều cái chết không đáng có vẫn cứ xảy ra.

Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ 2010 sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 21-3. Nhưng sẽ khó có thể hy vọng tình hình sẽ thay đổi nếu như chúng ta chỉ làm theo "phong trào".

Việt Nhân