Mặt trái của đồng tiền

Thể thao - Ngày đăng : 08:26, 06/03/2010

(HNM) - Trên hành trình lên chuyên nghiệp, BĐVN đã phải đối mặt với rất nhiều bất cập, trong đó việc quản lý ngoại binh luôn là bài toán nan giản. Không phải đến khi chân sút người Argentina - Molina (Bình Dương) vừa đột tử vì dùng ma túy quá liều, dư luận mới lên tiếng vì lối sống buông thả của giới cầu thủ. Khi đồng tiền kiếm được quá dễ dàng, cũng là lúc thói ăn chơi trác táng có nhiều đất diễn…


Từ chuyện cung - cầu

Tiền đạo Molina (phải) trong màu áo Bình Dương thi đấu AFC Cup 2009.
Ảnh:  Sơn Dũng


V-League mấy mùa giải gần đây chứng kiến sự leo thang chóng mặt trên thị trường chuyển nhượng (TTCN) cầu thủ. Nếu như năm ngoái ít ai có thể tin Công Vinh nhận tới trên 7 tỷ đồng tiền lót tay cộng với mức lương 40 triệu đồng/tháng khi cập bến HN-T&T, thì sang năm nay, V-Ninh Bình còn dám chi trên chục tỷ đồng để có Việt Thắng, Như Thành. Khi số lượng cầu thủ đủ trình độ chơi tốt ở V-League quá hạn chế, thì cách "làm ăn" mà một số nhà giàu ưa thích, nhằm đánh bóng thương hiệu tức thời là bỏ ra thật nhiều tiền, lấy về những điểm sáng.

Nội binh đã thế, ngoại binh còn được "chiều chuộng" hơn. Thực tế, V-League hiện nay chưa đủ sức hút những tên tuổi lớn. Phần vì chỉ có vài đội bóng đủ tiềm lực kinh tế, đáp ứng những đòi hỏi của "sao". Thêm nữa, chất lượng V-League không thể sánh bằng K-League, J-League - những điểm đến lý tưởng cho những ngôi sao thế giới đã bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Dễ hiểu khi chuyện chọn ngoại binh trước thềm mỗi mùa giải mới luôn khiến các đội đau đầu. Ví như Thể Công tiêu tốn cả chục tỷ đồng cho chuyến đi Brazil tuyển "hàng ngoại", nhưng cuối cùng tiền mất, tật vẫn mang. Và không ngạc nhiên khi những đội may mắn chọn được ngoại binh tốt, giá cả phải chăng là quên luôn việc phải thận trọng trong quy trình kiểm tra sức khỏe. Phải đến khi có người chết vì đột quỵ ngay trên sân tập như trường hợp của cựu tuyển thủ Olympic Cameroon-Atangana (QK4) năm 2007 thì mới giật mình. Nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Tới những "siêu quậy"

Sự thật là những ngoại binh khi mới tới V-League thử việc còn ở dạng vô danh cũng chịu khó tập luyện, thể hiện ý thức chuyên nghiệp. Nhưng qua thời gian, mọi thứ nhanh chóng xoay chiều khi họ bắt đầu nhận ra mình là người không thể thay thế.

Đi từ cấp độ nhẹ là những lần "làm mình làm mẩy" với HLV, ra sân thi đấu vật vờ, đòi tiền thưởng mới đá, tới những đêm "vượt rào" đi quán bar, vũ trường. Trong chừng mực nhất định, chính việc không dám mạnh tay "trị sao" vì sợ ảnh hưởng tới thành tích đã khiến nhiều đội bóng phải ngậm trái đắng.

Sau tin Musisi - cựu cầu thủ Đà Nẵng ra đi ở quê nhà Uganda năm 2005 vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, BĐVN liên tiếp chứng kiến những "siêu quậy". Ngay trong môi trường được đánh giá là có kỷ luật thép như Nam Định, vua phá lưới V-League 2003, Achilefu (Nigeria) còn dám quậy tung trời với những vụ ăn nhậu tới bến, xem thường lãnh đạo, ban huấn luyện. Nối gót người đồng hương, vua phá lưới V-League 2004, Amaobi cũng liên tiếp làm điên đầu cấp quản lý ở những nơi anh đặt chân tới, mà gần nhất là vụ làm loạn ở SHB-Đà Nẵng năm 2008.

Ngoài những vụ nổi cộm được dư luận đề cập tới, còn rất nhiều trường hợp ngoại binh nổi đình nổi đám, nhưng rồi bất ngờ "mất tích" không rõ nguyên nhân: Blessing (Bình Định), Iddi Batambuze (Đà Nẵng), Sama (HN-ACB)...

Thời điểm này, khi đồng tiền ngày càng chứng minh sức mạnh cùng những cám dỗ xung quanh nó, thì vai trò giáo dục đạo đức cho lứa cầu thủ từ các lớp năng khiếu có ý nghĩa quyết định trong thành bại của cả nền bóng đá. Làm quyết liệt ngay từ bây giờ đã là muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Như Mai