“Cứu” rồi phải “nuôi”
Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 06/03/2010
Những ao, hồ đã được cải tạo (dù phương thức còn gây nhiều tranh luận) đã phát huy được hiệu quả: Chống lấn chiếm, cải thiện cảnh quan môi trường, tăng khả năng điều hòa nước, giảm tốc độ ô nhiễm... Đánh giá một cách khách quan, những kết quả bước đầu đó sẽ giúp cho công tác "cứu" những ao, hồ còn lại đạt hiệu quả hơn.
Hồ Ba Mẫu được cải tạo, xây kè đá. Ảnh: Bá Hoạt
Môi trường được cải thiện
Đối với các hồ đã cải tạo, môi trường được cải thiện rõ rệt so với các hồ chưa cải tạo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 46 hồ đã kè đá, trong đó có khoảng 15 hồ được nạo vét đến cao độ thiết kế, xây dựng đường dạo, tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ. Một số hồ được xây dựng hệ thống cống tách nước thải, cửa phai, trạm bơm thoát nước. Người ta không còn thấy hiện tượng đổ đất, phế thải xây dựng để lấn chiếm và vứt rác xuống các hồ này, vệ sinh môi trường trên mặt nước và xung quanh hồ chuyển biến rõ rệt.
Ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, trong tổng số 111 ao, hồ thuộc nội thành Hà Nội, có khoảng trên 30 hồ đã xây dựng hệ thống cửa chặn nước thải (cửa phai hoặc tuyến cống bao tách nước thải). Trong đó, còn 4 hồ không có hệ thống thu gom nước thải vào, gồm 2 hồ Công viên Bách Thảo, hồ Hai Bà Trưng và hồ Hàm Long. Hệ thống cửa chặn nước thải được xây dựng đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng nước hồ.
Nằm trong Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn I, một loạt hồ như Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2, Thành Công, Giảng Võ, Thiền Quang, Nghĩa Tân, Hai Bà Trưng, Bảy Mẫu, Công viên Ngọc Lâm, Văn Chương, Kim Liên... đã được kè bờ, làm đường dạo, nạo vét bùn lòng hồ, lắp đặt tuyến cống bao ngăn không cho nước thải chảy vào. Sau khi được cải tạo theo dự án, nước hồ không còn bị ô nhiễm như trước. Cụ thể, nồng độ ô xy hòa tan cao hơn nhiều so với trước khi cải tạo, hàm lượng BOD, COD giảm đáng kể.
Hiện nay, ở các hồ đã cải tạo, xu hướng ô nhiễm vẫn đang tăng lên. Trong các hồ này đã xuất hiện hiện tượng tích tụ bùn, nhưng vì mới được cải tạo nên lượng bùn cặn hữu cơ tích tụ dưới đáy hồ không lớn, hàm lượng H2S trong nước vẫn ở mức thấp. Các chỉ tiêu phú dưỡng và các chỉ tiêu vật lý khác trong nước vẫn ở mức thấp, nằm trong giới hạn cho phép.
Nhưng vẫn chưa bền vững
Hồ Hoàn Kiếm được cải tạo bằng công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Ảnh: Bá Hoạt
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc cải tạo số hồ trên chưa xem xét đến yếu tố bảo tồn, làm giàu ô xy và duy trì dòng chảy nên chất lượng nước hồ đang có xu hướng suy giảm theo thời gian. Theo kết quả khảo sát chất lượng nước hồ hằng năm của Công ty Thoát nước Hà Nội, các hồ này vẫn đang bị ô nhiễm chất hữu cơ, hàm lượng COD dao động trong khoảng từ 40 đến 55mg/l. Những con số này chứng tỏ việc quản lý, khai thác và sử dụng hồ vẫn còn có những bất cập, vệ sinh mặt nước chưa được coi trọng. Nếu các cấp, các ngành không duy trì thường xuyên công tác quản lý, sử dụng… thì việc tái ô nhiễm các ao, hồ vừa được "hồi sinh" là khó tránh khỏi.
Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp đã đánh giá diễn biến chất lượng nước 5 hồ (Thanh Nhàn 1, 2, Giảng Võ, Thiền Quang, Thành Công) sau khi cải tạo và đề xuất giải pháp xử lý. Theo đó, mặc dù nước hồ có được cải thiện hơn hẳn so với trước và so với những hồ còn lại như Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Xã Đàn… nhưng vẫn còn cao so với tiêu chuẩn. Những dấu hiệu về hàm lượng nitơ, phốt pho cao hơn tiêu chuẩu, chỉ tiêu vi sinh vật gây bệnh cao cho thấy nguy cơ tái ô nhiễm là rất lớn. Ngoài ra, tuy chưa ghi nhận được sự nở hoa của tảo độc nhưng sự có mặt của chúng trong những hồ đã được cải tạo cần được chú ý.
Nhận thức được vai trò của ao, hồ đối với cuộc sống của nhân dân và của cả một đô thị, Hà Nội đã và đang triển khai các dự án cải tạo đồng bộ hạ tầng một số hồ nhằm điều hòa thoát nước và tạo cảnh quan, môi trường. Cùng với những hồ trên, một số hồ cũng được cải tạo thông qua các dự án khác bằng nguồn vốn trong nước như: Hồ Tây, Văn Chương, Thương Mại, Ba Mẫu, Đền Lừ, Giáp Bát, Kim Liên to, hồ Đầm, Bảy Gian, Nghĩa Tân, Sinh thái Lâm Du, Hàm Long, Đại Từ 1+2, hồ Dài, Mục Dục...
Ngoài ra, trong Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn II, 12 hồ gồm Hào Nam, Đống Đa, Hố Mẻ, Phương Liệt 1, Khương Trung 1+2, Định Công, Bảy Mẫu, Tân Mai, Linh Đàm, Hạ Đình, Đầm Chuối sẽ được cải tạo đồng bộ. Ông Nguyễn Lê cho rằng, 12 hồ này sẽ được cải tạo đồng bộ hơn những hồ trước và do đó hiệu quả về môi trường, thoát nước, cảnh quan sẽ cao hơn so với những hồ đã cải tạo trước đây. Đó là chưa kể tới những hồ được cải tạo bằng nguồn vốn trong nước như Bảy Gian, Linh Quang. Hy vọng những hồ này sẽ không chỉ được cải thiện về môi trường nước mà còn được cải thiện về khả năng thoát nước và cảnh quan đô thị.
Hồ Bảy Mẫu bị ô nhiễm nặng trước khi được cải tạo Theo Trung tâm Kỹ thuật môi trường đô thị và khu công nghiệp, trước khi được cải tạo, hồ Bẩy Mẫu nằm trong số hồ nhiễm bẩn nặng của Hà Nội, nhất là những khu vực có nguồn thải đổ vào. Hồ luôn luôn có hiện tượng nở hoa nước do các loài tảo độc gây nên, khiến cá chết thường xuyên vào những hôm tảo nở hoa. Mật độ tảo dao động từ 1,5 triệu đến 3,5 triệu tế bào/lít nước. Mật độ này là rất lớn, phản ánh tình trạng ô nhiễm hữu cơ nặng ở hồ. Hiện nay, hồ Bẩy Mẫu đang trong quá trình nạo vét, cải tạo. |
Gần 1.000 tỷ đồng cứu hồ * Ngày 20-1, Hà Nội đã tổ chức hội nghị kêu gọi các doanh nghiệp (DN) chung tay với thành phố cải tạo môi trường các hồ còn lại của nội thành. Ngay sau đó hàng chục DN đã cam kết ủng hộ cải tạo ao, hồ bằng nguồn vốn của DN với kinh phí trên 300 tỷ đồng và mong muốn được thực hiện các dự án cải tạo hồ bằng phương thức BT hoặc BOT với chi phí hơn 600 tỷ đồng. |