Nỗ lực từ nhiều phía

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 05/03/2010

(HNM) - Những ngày này, công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô đã trở lại với


Nỗ lực tự vươn lên…

Năm 2010, các cấp công đoàn sẽ có nhiều hoạt động tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.Ảnh: Huy Hùng


Không còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ "cơn bão" tài chính, nên lực lượng CNLĐ trực tiếp không còn lo lắng về nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm. Tuy nhiên, giá cả leo thang, thu nhập lại có hạn, nên họ chưa "thoát" khỏi áp lực về "cơm áo gạo tiền". Nhiều công nhân vừa phải tiếp tục công việc, vừa phải lặn lội tìm cho mình một "lối đi mới", với mong muốn có việc làm phù hợp trình độ và thu nhập khá hơn. Tại các khu vực niêm yết thông tin tuyển dụng ở nhiều KCN, phần lớn những người đến tìm kiếm việc làm là những công nhân đang làm việc tại các DN trong KCN đó. Anh Phạm Văn Ngữ, quê ở Bắc Giang, đang làm đầu bếp cho Công ty Bếp 3 sao (thuộc công ty TNHH HOYA, Nhật Bản - KCN Bắc Thăng Long) cho biết, anh đã làm việc ở đây được gần 1 năm, với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Lý do anh muốn thay đổi công việc là vì làm đầu bếp rất vất vả, trung bình mỗi ngày làm việc từ 9 đến 12 tiếng, thường xuyên phải làm ca đêm phục vụ cho 2.500 suất ăn mỗi ngày.

Giống như anh Phạm Văn Ngữ, nhiều công nhân khác ấp ủ dự định mới cho tương lai. Chị Nguyễn Thị An, công nhân Công ty Deawoo - KCN Sài Đồng (Gia Lâm) bộc bạch, công việc hiện tại của chị cho thu nhập 2 triệu đồng/tháng, nhưng mức lương đó không thể bảo đảm cuộc sống sau này nếu có gia đình, con cái, nên chị đang tính đi học thêm nghề may, sau này mở cửa hàng để có thêm thu nhập. Còn Nguyễn Văn Trường, công nhân Công ty Pentax (KCN Bắc Thăng Long) tâm sự, năm nay sẽ thi vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội học, để sau này có thể tìm kiếm một công việc tốt hơn.

Cũng có nhiều CNLĐ không muốn thay đổi nơi làm việc, họ "nuôi" ý chí quyết tâm vượt khó, vươn lên trong lao động, sản xuất để có một vị trí mới ngay tại chính nơi đã và đang gắn bó để cải thiện cuộc sống của mình. Trên thực tế có rất nhiều CNLĐ giỏi trở thành "cây" sáng kiến, được cất nhắc vào vị trí phù hợp với năng lực, trình độ và được tăng lương, thưởng. Chị Phan Thị Kim Ngân, công nhân Công ty cổ phần Dệt 10-10 là một điển hình. Gần chục năm gắn bó với công việc ở đây, chị đã nỗ lực phấn đấu và đạt nhiều thành tích cao. Vừa qua, với danh hiệu công nhân giỏi cấp thành phố, chị được giao hướng dẫn đồng nghiệp kỹ năng để đạt năng suất, chất lượng cao trong sản xuất. Hiện nay, mức thu nhập hằng tháng của chị đạt trên 4 triệu đồng/tháng.

Nhiều việc làm thiết thực

Năm 2010 này, các tổ chức CĐ bắt đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐ TP Hà Nội lần thứ XIV, với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của CNVC-LĐ, đặc biệt CNLĐ ở các KCN-KCX nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động. Ngay sau Tết Nguyên đán, hầu hết LĐLĐ quận, huyện, ngành đã tổng kết, rút kinh nghiệm các mặt hoạt động, nhất là việc chăm lo đời sống CNVC-LĐ, đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể cho thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, quý I-2010, LĐLĐ quận đã chủ động phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể quyên góp, hỗ trợ hơn 900 CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 330 triệu đồng. Giám sát các đơn vị thực hiện đầy đủ chế độ lương, thưởng cho công nhân, bảo đảm không có khiếu kiện, đình công hoặc lãn công.

Với sự chỉ đạo sát sao của LĐLĐ TP Hà Nội, nhiều CĐ cơ sở đã triển khai hiệu quả các mặt công tác, góp phần bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Cavico Việt Nam, chỉ trong gần hai tháng đầu năm, toàn bộ 137 tổ đội, phòng, ban, 43 dự án thuộc Công ty đã tổ chức thành công hội nghị người lao động 2010, đạt tỷ lệ 100%. Đây là hình thức tốt để thực hiện quy chế dân chủ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cán bộ CNLĐ trong các đơn vị. Theo ông Trần Vũ Thành, Tổng giám đốc Cavico Việt Nam, việc tổ chức thành công các hội nghị NLĐ trong toàn hệ thống tạo đà cho sự phát triển của công ty trong năm 2010 này.

Đồng hành cùng với CNVC-LĐ và các cấp CĐ, năm 2010 này, LĐLĐ TP xác định phương châm hoạt động của tổ chức CĐ là sát cơ sở, sát đoàn viên, phát huy tối đa vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNLĐ. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, LĐLĐ TP chỉ đạo CĐ các KCN-KCX, LĐLĐ các quận, huyện, thị xã cùng với Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, nhà văn hóa, trung tâm công tác xã hội tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ những hạt nhân văn hóa trong CNLĐ ở các khu, cụm điểm công nghiệp, đẩy mạnh phong trào VHVN, TDTT, nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Tiến tới CĐ sẽ xây dựng tủ sách, điểm đọc sách báo ở KCN-KCX cho CNLĐ. LĐLĐ TP cũng đã có kế hoạch tổng kết cuộc vận động "Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp", biểu dương các đơn vị đạt danh hiệu "Đơn vị văn hóa" vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Với sự cố gắng từ phía người lao động cũng như sự tích cực của tổ chức CĐ, hy vọng trong năm 2010 này, phong trào công nhân và hoạt động CĐ của Thủ đô sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững.

Linh Nhi