Khẳng định quan hệ đối tác chiến lược

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:39, 05/03/2010

(HNM) - Bất chấp cú xô đẩy mạnh của cơn bão tài chính và khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng không ít yếu tố khách quan khác, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục nâng mức viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.

Khoản tín dụng ưu đãi trị giá hơn 26 tỷ yên vừa được ký kết (chiều 2-3) tại Hà Nội đã nâng tổng cam kết ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2009 lên con số kỷ lục hơn 145 tỷ yên - mức cao nhất kể từ khi Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam năm 1992. Ngay 24 giờ sau, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mítxuô Sacaba khẳng định trong cuộc họp báo rằng, Nhật Bản sẽ viện trợ ODA quy mô lớn cho Việt Nam trong năm tài khóa 2010 (bắt đầu từ ngày 1-4-2010).

Khoản tín dụng trên được ký vào thời điểm năm tài khóa của Nhật Bản sắp kết thúc (ngày 31-3), nhằm giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; cải thiện môi trường đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư nước ngoài. Con số ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam cao hơn dự đoán - trong bối cảnh nền tài chính nước này cũng như toàn cầu đang phải đối phó với nhiều thách thức của thời kỳ hậu khủng hoảng - một lần nữa khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản cũng như niềm tin của cộng đồng quốc tế đang cùng Việt Nam vững bước tới tương lai.

Điều này đã được thể hiện rất rõ qua Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra cuối năm 2009, khi cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam 8,063 tỷ USD vốn ODA trong năm 2010 này, trong đó Nhật Bản chỉ đứng sau Ngân hàng thế giới (WB), với cam kết 1,640 tỷ USD. Mức cam kết đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay cho thấy sự tin cậy và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này càng ý nghĩa hơn khi nền kinh tế thế giới đang chịu nhiều áp lực do khủng hoảng tài chính, trong khi tại Nhật Bản mối lo ngại gánh nặng nợ công ngày càng phình to giữa lúc Tôkyô đang tìm cách kích thích kinh tế phục hồi.

Điều đáng nói hơn, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiếp tục viện trợ ODA cho Việt Nam đúng thời điểm phiên tòa xét xử phúc thẩm nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh (PMU Đông Tây) Huỳnh Ngọc Sỹ, sẽ mở lại (ngày 16-3 tới), sau phiên sơ thẩm kết thúc tháng 9 năm ngoái. Việc các cơ quan hành pháp Việt Nam xét xử nghiêm minh những kẻ tham nhũng nói chung, ở vụ án PCI nói riêng là một cam kết mạnh mẽ của chúng ta trước cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam đã và đang quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA; đồng thời không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Vì sao Nhật Bản dành ưu tiên ODA cho Việt Nam hơn so với các nước? Trước hết, sự phát triển ổn định của Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Nhật Bản trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi cơ sở hạ tầng của Việt Nam càng được hoàn thiện, kinh tế phát triển sẽ càng góp phần đẩy mạnh thương mại, đầu tư và qua đó các công ty Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế đan xen như hiện nay, lợi ích của một quốc gia không chỉ được nhìn nhận trên quan hệ song phương hay đa phương mà trên nhiều bình diện. Với Nhật Bản, đẩy mạnh viện trợ ODA cho Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn khẳng định sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia cùng châu lục. Nhận định này càng có cơ sở khi Việt Nam được đánh giá là một trong những "cửa ngõ" chiến lược của khu vực ASEAN, đầu mối quan trọng trong Tiểu vùng sông Mê Công mà Nhật Bản đang đẩy mạnh hợp tác.

Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều công ty và tập đoàn lớn của Nhật Bản tại Việt Nam vẫn mở rộng quy mô đầu tư. Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn của không chỉ các nhà đầu tư Nhật Bản mà còn của các nhà đầu tư nước ngoài khác. Như khẳng định của Đại sứ Mítxuô Sacaba trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, đây là một trong những thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản kể từ khi thiết lập năm 1973 đến nay. Nhiều chuyến thăm cấp cao song phương liên tục diễn ra trong năm qua đã minh chứng cho mối quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp này. Trong đó phải kể đến chuyến thăm Nhật Bản tháng 4-2009 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, với việc hai bên thỏa thuận thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á".

Đây là cơ sở để quan hệ hai nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Điều này đã và đang được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc Nhật Bản cam kết tiếp tục viện trợ ODA quy mô lớn cho Việt Nam trong thời gian tới. Hai nước đang phấn đấu cho mục tiêu trước mắt là nâng kim ngạch mậu dịch song phương năm 2010 lên 15 tỷ USD. Chắc chắn những kết quả to lớn trên đang tạo nền tảng vững chắc, góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phát triển trong tương lai.

Đình Hiệp