Bức tranh lịch sử kỷ lục “Hà Nội chiến lũy và hoa” tìm chỗ để trưng bày

Xã hội - Ngày đăng : 18:36, 04/03/2010

(HNMO) - Sau 3 năm ấp ủ và thực hiện bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam – “Hà Nội chiến lũy và hoa”, cuối cùng họa sỹ trẻ Nguyễn Doãn Sơn cũng hoàn thành tác phẩm khổng lồ này vào ngày 10/1/2010 trong sự chức mừng của giới mỹ thuật Hà Nội. Hôm nay (4/3), Hội Mỹ Thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm xung quanh tác phẩm đã hoàn thành và việc nên đưa tác phẩm trưng bày tại đâu cho phù hợp.

(HNMO) - Sau 3 năm ấp ủ và thực hiện bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam – “Hà Nội chiến lũy và hoa”, cuối cùng họa sỹ trẻ Nguyễn Doãn Sơn cũng hoàn thành tác phẩm khổng lồ này vào ngày 10/1/2010 trong sự chức mừng của giới mỹ thuật Hà Nội. Hôm nay (4/3), Hội Mỹ Thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm xung quanh tác phẩm đã hoàn thành và việc nên đưa tác phẩm trưng bày tại đâu cho phù hợp.


Toàn cảnh bức tranh "Hà Nội chiến lũy và hoa"

* 3 năm sống với lịch sử để có một tác phẩm hoành tráng

Không cần thể hiện bằng lời, chỉ cần nhìn công trình nghệ thuật dài 9,6m, rộng 2,25m bằng chất liệu bột màu trên vải, cũng đủ thấy những nhọc nhằn, công phu, tâm huyết của họa sỹ trẻ Nguyễn Doãn Sơn dồn vào. Bức tranh thể hiện sống độnglịch sử Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1946 với tinh thần quả cảm, quật cường, mà ở đó người xem có thể cảm nhận được những khoảnh khắc lịch sử không thể nào quên.

Có thể thấy, Doãn Sơn đã tỉ mẩn đến từng chi tiết cho bức tranh, từ những hình ảnh khói lửa với những anh vệ quốc quân ôm bom ba càng, sự đổ nát của những ngôi nhà cổ, những di vật Hoàng thành Thăng Long từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê…; cho đến hình ảnh sinh hoạt rất đời thường và nhân văn của người Hà Nội trong cuộc chiến cam khổ.


Một trích đoạn trong bức tranh khổng lồ


Trong bom đạn ác liệt ấy, vẫn có những khoảnh khắc người Hà Nội thanh thản ngồi hàn huyên bên ngọn lửa, cô gái Hà Nội nhẹ nhàng tặng anh vệ quốc quân bó hoa cúc, những đóa hoa đào vẫn nở rạng rở trong đêm cuối đông… Dường như, Doãn Sơn đã gói gọn những gì là tinh hoa nhất của Hà Nội vào bức tranh của mình mà theo như lời anh tâm sự, khi thực hiện phác thảo cho bức tranh này, tất cả các hình ảnh cứ ào ào dồn vào tay bút mà anh phải kìm lòng lắm mới dừng lại được.

Kể về ý tưởng thực hiện bức tranh lịch sử về Hà Nội lớn nhất từ trước đến nay này, họa sỹ trẻ Nguyễn Doãn Sơn tâm sự, đó là một cơ duyên mà anh chỉ biết thực hiện nó như một “cơn lên đồng”.

Khoảng tháng 1/2007, Doãn Sơn đến nhà họa sỹ Nguyễn Đỗ Bảo, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội và nghe họa sỹ lão thành này kể về Hà Nội những năm tháng bom đạn với tinh thần quả cảm “quyết tử để tổ quốc quyết sinh”. Họa sỹ Đỗ Bảo khuyến khích những họa sỹ trẻ nên lao động sáng tạo để có được những tác phẩm để đời. Thế là ý tưởng thực hiện một bức tranh về Hà Nội thời kháng chiến nhen nhóm. Sau đó, Nguyễn Doãn Sơn được một người bạn đưa cuốn sách “Sống mãi với Thủ đô” của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và căn dặn: “Nếu không đọc cuốn này thì sẽ chẳng thể nào sáng tác được”. Sơn nghiền ngẫm cuốn “Sống mãi với Thủ đô” và tìm ra được nhiều ý tưởng trong đó.


Bức tranh hiện đang được trưng bày tại Nhà Thái Học - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Cũng thời gian ấy Hoàng Thành thăng Long phát lộ được nhiều hiện vật quý từ thời Đinh, Tiền, Lê, Lý, Trần… đã giúp anh thêm ý tưởng cho bức tranh khổng lồ. Thu thập được nhiều chi tiết, Sơn phác thảo dần dần từng trích đoạn của bức tranh và cuối cùng 5 trích đoạn ra đời: “Trận chiến trên phố”, “em bé giao liên”, “bên trong chiến lũy”, “chiến luỹ và hoa”, “Mẹ”. Sau khi lấy ý kiến của Hội Mỹ thuật về những phác thảo cho bức tranh khổng lồ và nhận được nhận xét, đóng góp, Nguyễn Doãn Sơn bắt tay thực hiện bức tranh khổ lớn và đây cũng là bức tranh lịch sử về Hà Nội lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 10/1/2010 bức tranh hoàn thành trong niềm hãnh diện của người họa sỹ trẻ.

* Bức tranh cần một vị trí xứng đáng

Tác phẩm khổng lồ “Hà Nội chiến lũy và hoa” hiện đang được chính thức trưng bày trong Nhà Thái học tại Văn miếu Quốc tử giám từ ngày 26/2 đến 4/3 và đã để lại không ít cảm xúc cho khách tham quan. Cuốn sổ ghi cảm nhận của du khách khi xem bức tranh tràn ngập những dòng lưu bút. Điều đó cho thấy phần nào hiệu ứng của bức tranh tới công chúng.


Họa sỹ trẻ Nguyễn Doãn Sơn và bức tranh lịch sử khổng lồ (Ảnh: Lệ Quyên)

Tại cuộc tọa đàm diễn ra hôm nay tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, dù không góp mặt được đông đảo giới làm nghệ thuật nhưng cũng có khá nhiều đóng góp tích cực cho họa sỹ. Đại diện gia đình cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng có mặt để chiêm ngưỡng tác phẩm hội họa được vẽ dựa trên cuốn “Sống mãi với Thủ đô”.

Nhiều ý kiến đóng góp cho họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn nên chỉnh sửa lại một số chi tiết như hình ảnh con chó trong tác phẩm chính thức không đẹp bằng trong bức vẽ trích đoạn, hay hình ảnh cô gái Hà Nội nên có một nụ cười thể hiện niềm tin chiến thắng… Ngày mai thời gian trưng bày tại đây cũng hết hạn nên trước mắt hoa sỹ Nguyễn Doãn Sơn và gia đình sẽ đưa bức tranh trở lại xưởng để bảo quản và cân nhắc việc chỉnh sửa lại một số chi tiết để bức tranh được hoàn chỉnh hơn.



Ông Nguyễn Huy Thắng - đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến tham dự buổi tọa đàm và tặng sách của cố nhà văn cho họa sỹ Doãn Sơn (Ảnh: LQ)

Bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa” do cá nhân họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn thực hiện theo lời kêu gọi của Hội Mỹ thuật Hà Nội hưởng ứng cuộc vận động sáng tác hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hiên nay, vấn đề khiến Hội Mỹ thuật Hà Nội và cá nhân họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn băn khoăn là tìm một vị trí xứng đáng và thích hợp để trưng bày bức tranh cho công chúng có thể chiêm ngưỡng. Bức tranh lịch sử lớn nhất Việt Nam, được thực hiện khá bài bản, công phu, đạt được tính thẩm mỹ cao cả về xúc cảm lẫn nghệ thuật vẫn chưa có nơi đón nhận.

Được biết, Hội Mỹ thuật Hà Nội đang làm đề nghị lên UBND Tp Hà Nội xem xét, đánh giá chất lượng tác phẩm để có thể đưa tác phẩm vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Dù đang chờ đợi ý kiến “ở trên” và chưa biết kết quả thế nào, nhưng họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn vẫn rạng rỡ nở nụ cười mãn nguyện vì đã hoàn thành được một tác phẩm “để đời” vào đúng thời điểm trọng đại - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Anh tâm sự: “Dù ở đâu đi nữa thì vị trí trưng bày giá trị nhất vẫn là ở trong lòng công chúng"

Lệ Quyên