Rau sắng - tặng vật miền đất Phật
Xã hội - Ngày đăng : 09:11, 04/03/2010
Không như các loại rau xanh thông thường, khi chế biến, rau sắng không cần nhiều gia vị, chỉ cần một mớ nhỏ cả cọng và lá đem nấu suông, tra chút muối cho vừa độ đậm là có được một bát canh rất ngon, ngọt, bùi... Đặc biệt là những chùm "rồng rồng" của cây rau sắng còn có thể chế biến thành các món xào với các loại thịt, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với thực khách sành ăn. Ngoài ra, quả của cây rau sắng cũng rất ngon. Quả có hình như quả nhót, khi chín có mầu vàng sẫm, có vị ngọt đậm. Hạt của quả sắng, bóc vỏ rồi đem ninh với xương sẽ có món canh rất thơm ngon, ngọt, bùi mà không cần tra mỳ chính hay các loại gia vị khác...
Cây, quả, lá (rau) sắng. |
Cây rau sắng mọc tự nhiên trên những vách đá ở núi rừng Hương Sơn. Và chỉ ở núi rừng Hương Sơn, cây rau sắng mới có thể sinh sống, phát triển và cho chất lượng tốt nhất. Không như các loại rau ngắn ngày khác, cây rau sắng chỉ cho thu hoạch sau khi trồng từ 3-5 năm. Sau 10 năm trở lên, khi cây trưởng thành mới có thể đạt được năng suất 6-7kg/cây. Do đặc thù sinh trưởng đó nên rau sắng rất hiếm, hơn nữa có chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng nên cho dù vào mùa xuân là mùa thu hoạch thì mỗi kilôgam rau xê dịch với giá từ 150.000đ-350.000đ. Thậm chí, với giá đó, cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu du khách.
Hiện nay, phần lớn lượng rau sắng là do người dân ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khai thác từ tự nhiên. Để kiếm được rau sắng, người dân phải đi vào rừng sâu, thậm chí, có người còn mạo hiểm trèo cheo leo lên vách đá để hái rau, bởi chỉ có những cây rau sắng sống lâu năm trở thành cổ thụ, mới cho lượng rau nhiều và ngon. Mấy năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, diện tích rau sắng ở rừng Hương Sơn đã bị thu hẹp, chỉ còn khoảng vài vạn cây, phân tán khắp nơi trong rừng sâu, rất khó cho việc thu hái. Những cây cổ thụ chỉ còn "đếm trên đầu ngón tay"... Nếu không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và nhân rộng, thì nguy cơ mai một của cây rau sắng ở núi rừng Hương Sơn là không tránh khỏi!
Cây rau sắng không chỉ là món quà của trời đất ban tặng mà còn trở thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng của vùng đất Phật cho mỗi người khi về với lễ hội Chùa Hương. Vì vậy, việc duy trì và nhân rộng diện tích cây rau sắng đang được lãnh đạo xã, huyện đặc biệt quan tâm. Do cây rau sắng chỉ sinh sống và phát triển ở vùng rừng núi đá tự nhiên, cho nên không thể trồng ở vườn nhà hay ngoài ruộng. Đã có một vài hộ mạnh dạn đầu tư ươm trồng cây rau sắng ở vườn nhà nhưng không thành công. Năm 2005-2006, với sự giúp đỡ của Trạm khuyến nông huyện Mỹ Đức, các hộ làm theo phương pháp ươm giống thành cây con ở vườn nhà rồi đem vào rừng để trồng. Tuy vậy, tỉ lệ thành công cũng không cao. Đến nay, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tạo điều kiện về giống, vốn, kỹ thuật và những người dân tâm huyết với cây rau sắng, đã ươm giống và trồng thành công được hơn 3 vạn cây ở núi rừng Hương Sơn... Cùng với chăm sóc cho các cây non để 2-3 năm nữa sẽ cho thu hoạch, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông Mỹ Đức còn hướng dẫn bà con một số tác động kỹ thuật để cây rau sắng ra lá non đúng vào dịp Xuân hội, kịp thời phục vụ nhu cầu du khách. Dự kiến, trong thời gian tới, với những kinh nghiệm trong những năm qua và đầu tư kỹ thuật của các chuyên gia, kết hợp sự tâm huyết của người dân địa phương, Hương Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích ươm trồng cây rau sắng...
Không chỉ nâng cao ý thức duy trì và chăm sóc để cây rau sắng đem lại hiệu quả năng suất, giá trị cao, hiện nay, một số thanh niên địa phương đã linh hoạt bằng việc thu gom rau sắng trong vùng rồi xử lý, sơ chế, đóng hộp để đưa đặc sản địa phương thâm nhập vào các siêu thị ở Hà Nội, Hà Đông... Anh Nguyễn Chí Long (thôn Yến Vĩ) cho biết: Đến mùa thu hoạch rau sắng, anh thu mua của người dân với giá 170.000đ/kg. Sau đó, chọn lọc, sơ chế bằng nước ô-zôn rồi đóng gói nilông, dán nhãn "Rau sắng Chùa Hương", trọng lượng mỗi gói khoảng 70g (tính cả trọng lượng bao bì), được bán trong siêu thị với giá 15.000đ, đủ nấu 1 bát canh nhỏ dùng trong bữa ăn gia đình cho 3-4 người. Theo tư duy của những người trẻ tuổi ở Hương Sơn đang thu gom, sơ chế rau sắng để bán ở các siêu thị như anh Long thì đối với mọi người, canh rau sắng chỉ mang tính thưởng thức chứ không phải để "ăn lấy no", vì vậy, tuy rất đắt, nhưng họ vẫn sẵn sàng "móc hầu bao"... Chẳng thế, lượng rau chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Hầu hết, những siêu thị bày bán "Rau sắng Chùa Hương" đều nhanh chóng bán hết veo!
Trong câu chuyện với chúng tôi về cây rau sắng, một số người dân ở xã Hương Sơn cùng chung niềm tâm sự: Điều khó khăn nhất hiện nay đối với "Rau sắng Chùa Hương" là vùng nguyên liệu. Chúng tôi rất muốn đặc sản của quê hương được nhiều người biết đến không chỉ là một thứ rau rừng ngon, ngọt mà phải được mang thương hiệu đặc sản miền đất Phật. Sản phẩm đó không chỉ phục vụ nhu cầu ẩm thực mà còn thể hiện nét văn hóa đặc thù, có giá trị cao gắn với địa danh... Nhưng, để thực hiện được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của người dân địa phương, rất cần sự quan tâm của chính quyền và các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật trong việc nghiên cứu, đầu tư xứng đáng cho vùng nguyên liệu; đồng thời hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu...
Đồng tình với ưu tư của bà con Hương Sơn, chúng tôi nghĩ: Đặc sản địa phương chính là lợi thế của vùng du lịch tâm linh. Cùng với những tiềm năng do thiên nhiên ban tặng về cảnh vật và tài nguyên thì cách thức tổ chức đầu tư khai thác đặc sản địa phương, tạo thành sản phẩm du lịch có giá trị cũng là một trong những mắt xích quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế du lịch, nhằm đạt hiệu quả như mong muốn!