Mùa khô - Nỗi lo "bà hỏa"

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 03/03/2010

(HNM) - Nắng nóng gay gắt ngay trong tháng giao mùa cho thấy mùa khô năm nay ở TP Hồ Chí Minh sẽ rất khốc liệt và điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao hơn bất cứ thời điểm nào. Trận cháy đến hơn 6 tiếng đồng hồ tại Công ty Scansia Pacific tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân ngày 27-2 vừa qua là cảnh báo cho một mùa khô hết sức căng thẳng trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nguy cơ luôn rình rập!

Chỉ trong hai tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã có gần 30 vụ cháy lớn nhỏ. Trong đó, trận cháy ngày 27-2 tại xưởng chứa sản phẩm gỗ thành phẩm của Công ty Scansia Pacific tổn thất rất lớn. Mặc dù Sở PCCC đã điều động đến 33 xe chữa cháy, 6 máy bơm cùng 218 cán bộ chiến sĩ PCCC các quận 1, 6, 8, 11 và Bình Tân triển khai chữa cháy nhưng vụ cháy này cũng đã "lập kỷ lục" về thời gian cháy đến hơn 7 tiếng đồng hồ và thiệt hại ước tính đến gần 20 tỷ đồng. Trước đó, ngày 19-2, kho hàng của Công ty CP Vật tư Bưu Điện cũng được "bà hỏa" viếng thăm. Nghiêm trọng hơn, vụ cháy tại cơ sở sản xuất dầu bóng tư nhân ở C7/17 B43 ấp 4A đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh ngày 18-1 đã làm 2 người chết, 1 người bị thương, cơ sở bị thiêu rụi hoàn toàn và cháy lan sang cả nhà bên cạnh.

Một vụ cháy trong khu dân cư.

Bên cạnh các cơ sở sản xuất, khu dân cư cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn. Trước đó, niềm vui năm mới của gia đình ở số 91T, đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3 đã tắt ngúm khi căn nhà cùng toàn bộ tài sản đã bị thiêu rụi hoàn toàn ngày mùng 2 Tết Canh Dần. Ngày 12-2, căn nhà số 491-493 Phạm Thế Hiển phường 4, quận 8 cũng bị thiêu rụi khiến chủ nhân khốn đốn tìm chỗ ở trong những ngày Tết.

Theo thống kê của Sở PCCC TP thì các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu dân cư và các xưởng sản xuất trong khu dân cư. Nguyên nhân gây cháy nhiều nhất là do ý thức chủ quan và bất cẩn của người dân, doanh nghiệp.

Phòng để tránh chữa

Điều nguy hiểm là trong mùa khô, nguy cơ cháy cao trong khi công tác PCCC mùa này lại rất khó khăn bởi nhiều lý do, một trong số đó là thiếu… nước! Theo Sở PCCC, mặc dù các trụ nước chữa cháy đã được lắp đặt nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ như quy định là cứ 150m phải có một trụ nước. Toàn TP mới chỉ có 5.304 trụ nước trong khi theo kế hoạch thì năm 2009 phải có 8.000 trụ. Tình trạng "lô cốt", ùn tắc tràn lan ngoài đường cũng làm khó khăn cho công tác chữa cháy bởi không tiếp cận đám cháy kịp thời.

Để đối phó với một mùa khô được dự báo là hết sức căng thẳng trong năm nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các cấp, ngành tăng cường hơn nữa công tác PCCC. Trong đó tập trung tuyên truyền pháp luật về PCCC, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. UBND TP cũng yêu cầu tổ chức các đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC, chú ý kiểm tra việc thực hiện tự trách nhiệm tự kiểm tra của lãnh đạo các cơ sở. Tại các nơi dễ xảy ra cháy nổ như các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại cần phải chú trọng các kiến thức nghiệp vụ về PCCC. Để hạn chế nguy cơ cháy nổ do chập điện, văn bản yêu cầu Công ty Điện lực TP kiểm tra các trạm biến áp, cáp dẫn, cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện công cộng….

Riêng Sở Cảnh sát PCCC, đơn vị trực tiếp tham gia công tác PCCC phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch kiểm tra đồng loạt các cơ sở và khu dân cư có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu ở mức cao. Với các khu dân cư có nguy cơ cháy nhưng ở xa các đơn vị PCCC hoặc có giao thông khó khăn cần bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực gần đó để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện tập trung quy hoạch, chỉnh trang, cải tạo các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đúng với quy chuẩn, bảo đảm các quy định về PCCC. UBND quận, huyện phải nghiên cứu và có giải pháp chuyển hóa các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, đề xuất di dời các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao ra khỏi các khu dân cư. Đây được xem là những biện pháp khá căn cơ để mỗi mùa khô đến không còn phải lo cảnh "bà hỏa" viếng thăm.

Đặng Loan