Tshamala: “Nhiều ngoại binh dùng ma túy lắm”
Thể thao - Ngày đăng : 16:35, 01/03/2010
“Tôi thực sự không biết chuyện này, cho đến khi đọc trên báo. Nhưng, tôi không bất ngờ trước cái chết của Molina, nếu các kết luận có liên quan đến ma túy. Ở Việt Nam, tôi biết có nhiều cầu thủ dùng ma túy lắm. Nội binh cũng có, nhưng thường xuyên nhất là các cầu thủ người nước ngoài. Không ít người đã chuyển qua giai đoạn chích”, Tshamala nói một mạch, khi người viết đề cập về sự kiện Molina.
Cũng theo Tshamala, nhiều cái tên ấy vẫn còn đang chơi bóng đỉnh cao, ở hạng Nhất và V-League. “Có nhiều cầu thủ bị các đồng đội người bản địa lôi kéo vào con đường ma túy và thuốc lắc. Nhưng đại đa số những người tôi biết, đều đã có tiền lệ sử dụng chất gây nghiện (ở đây là ma túy), trước khi đến Việt Nam. Thường họ chỉ dùng sau trận đấu, ở hộp đêm hoặc trong khách sạn”, lời Tshamala.
Molina có lẽ chỉ là một trong số nhiều cầu thủ sa ngã |
Cũng đã vài lần không hẹn mà gặp Tshamala trong các quán bar ở Nha Trang (Khánh Hòa) và TP.HCM, nhưng với chỉ chai bia trên tay, Tshamala là một vũ công thứ thiệt, với điệu nhảy lắc mông rất Phi châu. Nhưng, Kabanga (đã có vợ và con, hiện đang sống ở Nam Phi) thuộc mẫu những cầu thủ khá nghiêm túc với nghề. Tất nhiên, anh chẳng bao giờ dại mà đụng vào những thú chơi chết người, như ma túy chẳng hạn.
Tiện thể, tiền đạo đang được ĐT.LA tiến hành các thủ tục nội hóa liệt kê ra vài cái tên. Họ đến từ Nam Mỹ và châu Phi. Nhưng, trong phạm vi bài báo này, chúng tôi tạm thời không đề cập đến. Vì tính ra, chưa có văn bản giấy tờ nào xác minh các trường hợp đó cả.
Quán bar, gái gọi và “hàng trắng” là những thú tiêu khiển ưu thích của phần đông các ngoại binh, đang hành nghiệp tại Việt Nam. Cái chính là do buồn mà họ tìm đến. Trước Molina, đã có vài cái chết không rõ nguyên nhân, của những cầu thủ người nước ngoài.
Phần lớn các CLB Việt Nam, đều chỉ tiến hành những test kiểm tra sức khỏe rất sơ sài, hoặc nếu có xét nghiệm, cũng chỉ cho đủ thủ tục. Cũng có đôi khi, CLB phát hiện một trường hợp nào đó nghiện ma túy, thậm chí là nhiễm HIV/AIDS, nhưng vẫn im ỉm vì sợ những điều tiếng không hay.
Một hồi chuông cảnh tỉnh thực sự, cho các cơ quan chức năng, trong việc quản lý và ký hợp đồng sử dụng các ngoại binh.