Nghệ sỹ Ưu tú Hà Quốc Minh: Bảo tồn là tìm đất sống cho chèo

Văn hóa - Ngày đăng : 07:10, 01/03/2010

(HNM) - Xuân Canh Dần, Nhà hát Chèo Việt Nam khai trương sân khấu nhỏ trên tầng 2 rạp Kim Mã (phố Giang Văn Minh, Hà Nội). Trong những ngày qua, nhiều tiết mục biểu diễn tại đây được đông đảo khán giả hưởng ứng. NSƯT Hà Quốc Minh, Quyền Giám đốc Nhà hát đã chia sẻ với Hànộimới về sân khấu này.

- Từ ý tưởng nào Nhà hát Chèo Việt Nam thành lập sân khấu nhỏ, thưa ông?

- Nhà hát là đơn vị có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị chèo truyền thống, nên ai cũng muốn chèo được sống. Chọn cách đi diễn lưu động cũng được, nhưng vở thường dài và thường phải diễn ở ngoài trời nên khó hay và khó bảo đảm tính chuyên nghiệp. Bảo tồn tích cổ, trích đoạn chèo truyền thống thì không gì bằng diễn ở rạp.

Trích đoạn chèo “Thị Màu lên chùa”.

Nhà hát có sân khấu lớn nhưng trong bối cảnh như hiện nay, rất khó để "đỏ đèn" đều đặn. Vì thế, chúng tôi cần có một sân khấu nhỏ, để diễn chương trình nhỏ, ít người xem vẫn có thể phục vụ được. Về lâu dài sân khấu nhỏ sẽ được sử dụng để giới thiệu các tiết mục truyền thống.

- Phương thức hoạt động cụ thể của sân khấu nhỏ ra sao, thưa ông?

- Mỗi tuần sẽ diễn hai buổi, duy trì thường xuyên. Chúng tôi sẽ cố gắng để công chúng biết đến nó như một địa chỉ diễn chèo cổ, giới thiệu các trích đoạn truyền thống. Về lâu dài, chúng tôi sẽ từng bước khai thác các vốn cổ trong dân gian, như vừa qua đã đưa ra một số trò diễn dân gian mới được khai thác. Có sự xen kẽ như vậy thì khán giả sẽ thấy các trò diễn dân gian rất gần với chèo. Chúng hòa quyện với nhau và làm cho sân khấu thêm phong phú.

- Mới khai trương, ông thấy tình hình khán giả đón nhận thế nào? Có khả quan không?

- Rất nhiều người đã đến mua vé, có buổi bán được cả 60 vé, có buổi còn thiếu ghế. Những ngày đầu xuân thư thả, khán giả có nhiều thời gian đến với loại hình nghệ thuật mình yêu mến. Tôi vẫn tin chèo có khán giả của nó nếu làm đúng truyền thống, đúng ý nghĩa của chèo. Chúng ta không đòi hỏi rầm rộ, hoành tráng nhưng để diễn đều đặn thì tôi thấy khả quan.

- Nhà hát đã có kế hoạch makerting cho sân khấu nhỏ chưa?

- Makerting là việc mới mẻ, chúng tôi đang tiếp cận. Chẳng cứ các vở diễn hoành tráng, chúng tôi nghĩ làm sân khấu nhỏ cũng phải có kế hoạch quảng bá cụ thể. Nhà hát sẽ đầu tư cho quảng cáo, tiếp thị, tổ chức biểu diễn, đưa thông tin chương trình đến với khán giả. Chúng tôi bắt đầu bán vé, lấy thu bù chi chứ không hoàn toàn là mời khán giả đến xem mỗi khi có chương trình mới, hoặc diễn theo hợp đồng như trước. Nhà hát khuyến khích anh chị em giới thiệu rộng rãi với bạn bè, liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp và sẽ có bồi dưỡng thỏa đáng.

- Ông nghĩ sao về việc đưa sân khấu này vào các tour du lịch ở Thủ đô?

- Rất nên có sự kết nối với du lịch. Quảng bá nghệ thuật chèo qua con đường du lịch là một trong những cách làm phù hợp. Và cần phải huy động được khách du lịch vào việc bảo tồn chèo để mọi người thêm hiểu, thêm yêu chèo, để chèo phải được truyền dạy giữa các thế hệ. Bảo tồn nghệ thuật chèo, theo tôi, không có nghĩa là lưu giữ tác phẩm trong kho mà phải tìm đất cho chèo sống, đến được với mọi người.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hoa