Đổi mới cả nội dung và hình thức
Chính trị - Ngày đăng : 06:46, 01/03/2010
Đa dạng hình thức…
Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thường xuyên, liên tục đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức gắn liền với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, ngành, địa phương là nét nổi bật trong công tác TĐKT của Hà Nội sau 5 năm triển khai Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị (2004-2009).
Các phong trào thi đua trên địa bàn Thủ đô trong 5 năm gần đây diễn ra đều khắp và mỗi phong trào đều có nét riêng. Cùng với những phong trào thi đua lớn như "Người tốt, việc tốt", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", ''Xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch''; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; các phong trào thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí... ở từng cấp, ngành, đơn vị lại có sự sáng tạo riêng trong thực hiện. Nổi bật là các phong trào thi đua của ngành văn hóa - thể thao và du lịch hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thông qua các cuộc thi như thi đi bộ với chủ đề "Vì một thành phố xanh, sạch, đẹp"; thi viết "Thư gửi Đức vua Lý Thái Tổ"...
Ở các địa phương, nhiều phong trào thi đua cũng được phát triển sâu rộng với những mô hình giúp nhau phát triển sản xuất, tăng giàu, giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh của người Hà Nội và nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân. Có thể nhắc đến các mô hình "Cầu thang văn hóa" (phường Nghĩa Tân); nhóm "Gia đình láng giềng an toàn, văn hóa'' (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy); "Đàn bò vì người nghèo" của huyện Ba Vì hay phong trào "Mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hóa" của nông dân huyện Gia Lâm; "Dồn điền đổi thửa" xây dựng trang trại của xã Đông Mỹ (Thanh Trì); mô hình "Cam Canh, bưởi Diễn" của huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Oai...
Đi vào chiều sâu
Bằng các hình thức hấp dẫn, phong phú, thiết thực, có thể nói, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị, các phong trào thi đua của Hà Nội đã là động lực quan trọng góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV đã đề ra. Theo thống kê ban đầu trong 4 năm (2006-2009), kinh tế của thành phố đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 10,48%/năm. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng bình quân 3,73%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,21%. Thu ngân sách tăng bình quân 22,74%/năm, chỉ tính riêng trong năm 2009 mức thu ngân sách đã đạt 73.500 tỷ đồng. Vốn đầu tư xã hội tăng 31,93%/năm. Mỗi năm thành phố có từ 85.000 đến 90.000 người có việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 16%.
Nhìn lại những kết quả của công tác TĐKT, bài học rút ra là nếu hoạt động này không được tiến hành kịp thời, thường xuyên, kiên trì và thiết thực thì rất khó phát huy, động viên được các tầng lớp nhân dân tham gia. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, cần đổi mới cả về chất lượng và nội dung trong công tác TĐKT. Các chỉ tiêu, tiêu chí đưa ra cần cụ thể, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đánh giá đúng thành tích, khen thưởng kịp thời, chính xác để động viên, khuyến khích phong trào.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị và phong trào thi đua yêu nước, trong năm 2010 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng của công tác TĐKT với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Và để các phong trào thi đua thực sự phát huy được sức mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua, như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã căn dặn.
Hy vọng rằng với truyền thống luôn đi đầu trong các phong trào thi đua, bằng sự đổi mới thiết thực cùng với vai trò gương mẫu đầu tàu của các cán bộ, đảng viên, Hà Nội sẽ có một năm sôi động các phong trào thi đua, làm tiền đề vững chắc cho những năm tiếp theo.