Những cái mốc thiêng liêng
Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 28/02/2010
Sự kiện vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã được chính sử chép tận tường. Một sự kiện đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ người Việt, cho dù người đó cả đời chưa một lần đặt chân tới Thủ đô, đang sống trên dải đất hình chữ S hay ở góc biển chân trời nào. Sau khi quân dân Đại Cồ Việt đánh đuổi đạo quân lớn đến từ phương Bắc, khôi phục nền độc lập cho đất nước sau ngàn năm bị đô hộ, Anh hùng dân tộc Lý Công Uẩn đã có "tầm nhìn phát triển" - nói theo cách ngày nay. Hoa Lư là kinh đô lý tưởng cho một vương triều phải luôn gồng mình lên cố thủ, giữ bằng được chủ quyền vừa giành lại bằng xương máu của bao thế hệ, không cho kẻ thù tìm cách cướp đoạt lần nữa. Nhưng giờ đây, đất nước cần rộng mở những chân trời mới, kết hợp giữ gìn với dựng xây - coi giữ gìn là điều kiện, lấy dựng xây làm mục đích. Mùa thu năm Kỷ Dậu (1009), Vua xuống “Chiếu dời đô”. Sang mùa xuân năm sau, Canh Tuất (1010), một ngày đẹp trời Vua ra lệnh thiên đô. Cả hoàng tộc cùng triều đình xuống thuyền xuôi ra biển, ngược lên phương Bắc rồi theo sông Hồng vào sâu trong vùng châu thổ. Khi đoàn thuyền vừa cập bến thì xuất hiện tín hiệu đẹp: Rồng bay lên…
Bắt đầu một kỷ nguyên mới.
***
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy Thiên niên kỷ I (sau CN) là thiên niên kỷ người Việt chiến đấu giành lại cương vực của mình. Khởi đầu bằng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, kế tục với Bà Triệu, Lý Bôn, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ… và rạng rỡ kết thúc cùng Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng giang, phá tan đại quân xâm lược, để cùng Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn chuyển sang thiên niên kỷ mới, định đô tại Hoa Lư (980-1009).
Thiên niên kỷ II là ngàn năm củng cố nền tự chủ, mở mang bờ cõi Việt Nam, mở đầu bằng sự kiện dời đô về Thăng Long.
Thiên niên kỷ phát lộ bản lĩnh người Việt: cần mẫn, trí lự trong sản xuất, dựng xây, mở cõi; anh hùng, mưu lược trong đắp vun thế nước, diệt ngoại xâm.
Thiên niên kỷ khẳng định tư chất con người và bản sắc văn hóa Việt…
***
Xưa nay, các loại lịch đều là quy ước do con người định ra, dựa vào quy luật tự nhiên, tìm cách thích ứng với môi trường để sinh tồn và phát triển. Đông Tây có nhiều loại lịch. Ở đâu, lịch vẫn là nơi đánh mốc cuộc đời ngắn ngủi và lịch sử hữu hạn của con người, giữa dòng thời gian vô thủy vô chung. Nhưng một khi đã gắn với cuộc sống con người, lịch lại hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng.
Đối với dân tộc Việt Nam, thế kỷ cuối cùng của Thiên niên kỷ II ngời ngợi hàng loạt sự tích anh hùng, mà hai đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thống nhất đất nước năm 1975.
Thế kỷ XX là thế kỷ đau thương của nhân loại với hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất lịch sử loài người. Đó cũng là thế kỷ tỏa sáng nhiều vĩ nhân: Lênin ở Nga, José Marti ở Cuba, Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Gandhi và Nerhu ở Ấn Độ, Tôn Dật Tiên và Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Sukarno ở quần đảo Nam Dương…
Và đương nhiên, Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Những người ấy ra đời khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc làm mưa làm gió trên địa cầu. Họ trở thành vĩ nhân khi, bằng nhiều con đường, thách thức quyền lực tưởng chừng vô địch của phương Tây, đổi thay trật tự thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta chào đời cuối thế kỷ XIX vào một năm tròn (1890). Bốn mươi năm sau (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Trước đó 5 năm, (1925) báo Thanh niên do Người sáng lập ra số đầu. Tờ ấn phẩm thô sơ về hình thức ấy làm sứ mệnh trọng đại: chuẩn bị về lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ, mười lăm năm sau (1945), Cách mạng Tháng Tám thành công. Để ba mươi năm sau nữa (1975), vượt lên bao mất mát, đau khổ, hy sinh của hơn một thế hệ, nước Việt Nam sau thời gian bị nước ngoài xâu xé, chia cắt, trở lại vẹn toàn. Những cái mốc tròn trặn, không thể nào đẹp hơn.
Để sang năm Canh Dần (2010) này, trên dải đất hình chữ S tưng bừng diễn ra nhiều kỷ niệm: 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản tròn 80 tuổi, 65 năm thành lập chế độ dân chủ cộng hòa, 35 năm thống nhất đất nước…
Và sâu lắng trong chiều dày lịch sử, giữa dòng thời gian vô thủy vô chung, Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.
***
Kỷ niệm không phải là đến hẹn lại lên. Kỷ niệm là lễ hội của nhân dân, song ý nghĩa của kỷ niệm cao hơn lễ hội. Cũng như theo truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, tế lễ là tôn vinh các bậc tiền bối đã có công sinh thành - nhìn từ góc hẹp của mỗi người và đã góp phần vào sự trường tồn của dân tộc - nhìn theo góc rộng của cộng đồng. Kỷ niệm là ôn cũ để biết mới. Lễ hội không phải hoài cổ mà là cầu chúc cho ngày mới, ngày mới, ngày lại mới hơn.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Thật sự cơ hội ngàn năm có một. Bởi đâu phải thế hệ nào cũng có vinh dự chứng kiến và kỷ niệm ngàn năm. Đó là dịp cho chúng ta tri ân tiên tổ, tôn vinh các bậc tiền bối và, quan trọng hơn, tự hào với lịch sử, với nền văn hóa Việt Nam. Cơ hội cho thế hệ này lưu lại hậu thế nhiều công trình kỳ vĩ về kết cấu hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa, tinh thần…
Và trên hết, cơ hội khẳng định bản lĩnh Việt Nam trong thế giới toàn cầu…